Sắp tăng giá bán lẻ xăng dầu?

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:13
Hôm nay (11/3) là đến thời hạn liên Bộ Tài chính - Công thương ra quyết định về điều hành giá mặt hàng trọng điểm xăng dầu. Trước thông tin lỗ của các doanh nghiệp, nhiều đồn đoán giá được đưa ra, trong đó thiên về hướng tăng giá mạnh đến 1.000 đồng/lít, đồng thời giảm mức xả quỹ bình ổn xăng dầu.

Theo số liệu trên thị trường thế giới, tính đến ngày 10/3, giá dầu WTI giao dịch ở mức 50 USD/thùng. Giá xăng dầu thành phẩm Ron A 97 cập cảng chạm ở điểm 78.16 USD/thùng; xăng Ron A95 có giá 75.96 USD/thùng, còn xăng Ron A 92 là 72.68 USD/thùng. Như vậy nếu tính chu kỳ tính giá bình quân 15 ngày theo cách tính của Bộ Tài chính, giá cơ sở mặt hàng xăng Ron A92 đang cao hơn giá bán lẻ 964 đồng/lít, còn với dầu DO cao hơn giá bán lẻ 292 đồng/lít.

Với mức chênh lệch giữa giá bán và giá cơ sở này, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng sẽ có khả năng xảy ra. Song trong bối cảnh giá điện cũng vừa có quyết định điều chỉnh tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3 tới, việc điều chỉnh giá xăng sẽ phải thực hiện trên cơ sở tính toán kỹ để người dân không sốc.

Giá xăng dầu đứng trước khả năng tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, có lẽ cơ quan điều hành sẽ dùng phương án vừa xả quỹ bình ổn giá, vừa tăng giá bán lẻ. Trước đó, vào cuối tháng 1/2015, Bộ Tài chính đã công bố số dư “khủng” của quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý IV/2014 là 4.018,711 tỷ đồng. Với chức năng điều tiết giá của mình, việc xả quỹ để bù giá trong thời điểm này được nhiều chuyên gia cho là hợp lý.

Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý, đó là trong ngày 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 1.000 đồng/lít (hiện hành) lên 3.000 đồng/lít kể từ ngày 1/5 tới.

Theo đó, với cách tính toán của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, khi tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên mức 3.000 đồng thì thuế nhập khẩu cũng giảm xuống từ 35% về mức 15%. Đây là cách thức hữu hiệu để bù một phần giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới giá xăng dầu.

Chi tiết hơn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để ứng phó với tình hình giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Theo tính toán của Chính phủ, tổng số thu thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 theo phương án điều chỉnh nêu trên là khoảng 35.579,8 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23.719,8 tỷ đồng/năm.

Đối với giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc tăng thuế BVMT cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm, vì việc tăng thuế BVMT theo phương án nêu trên chỉ nhằm bù đắp một phần giảm thu NSNN, do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT như trên sẽ đảm bảo phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu…

Giá xăng dầu đứng trước khả năng tăng cao.

Thời điểm điều hành giá mặt hàng xăng dầu gần đây nhất, ngày 24/2, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 1860/BCT-TTTN quy định mức giá cơ sở kỳ công bố là 18.178 đồng/lít xăng Ron 92, 17.848 đồng/lít xăng sinh học E5, 17.105 đồng/lít dầu diezen 0,05S, 17.558 đồng/lít dầu hỏa và 13.843 đồng/kg dầu mazút 180 CST 3,5S.

Tuy nhiên, liên Bộ quyết định giữ giá xăng Ron 92 không cao hơn mức 15.686 đồng/lít, xăng sinh học E5 không cao hơn mức 15.356 đồng/lít, dầu diezen 0,05S không cao hơn mức 15.183 đồng/lít, đồng thời để bù đắp chênh lệch, cho phép chi sử dụng Quỹ bình ổn giá là 2.448 đồng/lít với xăng Ron 92.

Lý do của việc yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu giữ ổn định giá bán các chủng loại xăng là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường và tâm lý của người tiêu dùng vào thời điểm trước, trong và sau Tết Ất Mùi.

Bởi vậy, với con số lỗ của doanh nghiệp theo cách tính nói trên, nhiều kịch bản giá đã được dự báo: có thể giá xăng sẽ tăng mạnh theo mức tăng tương ứng của giá xăng dầu thế giới, vừa tăng giá vừa tiếp tục xả quỹ, nhưng giảm mức chi, hoặc cân đối hạ thuế xuất nhập khẩu về dưới 35% để ổn định giá.

Theo tính toán của một doanh nghiệp trong ngành, nếu tiếp tục xả quỹ bình ổn ở mức 2.448 đồng/lít thì cuối tháng 3 này quỹ sẽ cạn. Câu chuyện hạ thuế sẽ được để dành vào tháng 5 để “trám” vào phần tăng thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dù thực hiện theo phương án nào, giá xăng cũng sẽ thay đổi, nhưng thay đổi ở mức nào để cân đối lợi ích ba bên: doanh nghiệp, nhà nước, người dân mới là điều trọng yếu.

Nhóm PV
.
.
.