Tăng giá điện giúp EVN có lãi khoảng 1.500 tỷ đồng
Cụ thể, giá than tăng làm tăng 4.485 tỷ đồng; do điều chỉnh giá khí trên bao tiêu làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỷ đồng; do tăng giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng; do tỷ giá bình quân tăng 105,6 tỷ đồng; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% làm tăng 1.590 tỷ đồng; do giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỷ đồng. Như vậy, cân bằng các yếu tố, chi phí sản xuất kinh doanh điện trong thời điểm này vẫn tăng 8.833 tỷ đồng.
Ngoài ra một số các khoản chi phí khác như: Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: 1.019,16 tỷ đồng; Chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; Bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy đến 30MW: 166,52 tỷ đồng….; Khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31-12-2013 còn chưa phân bổ: 8.811 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phương án giá điện đã được phê duyệt thì khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 là khoảng 926 tỷ, số tiền còn lại sẽ được phân bổ vào các năm sau.
Tại cuộc họp báo, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết thêm: Với phương án giá điện này, hộ kinh doanh, hộ tiêu thụ ít điện sẽ có chi phí tăng dưới mức trung bình 7,5%; hộ sản xuất sẽ được điều chỉnh cao hơn, trên 7,5%. Mức cụ thể cho từng đối tượng sẽ được Bộ Công thương ký ban hành vào tuần sau.
Sơ bộ tính toán cho thấy, đối với các hộ dùng ở mức 50 số, mức tăng chưa tới 5.000 đồng/gia đình/tháng. Đối với các hộ sản xuất, tùy theo giá thành của từng hộ tiêu thụ, nếu dùng nhiều thì cơ cấu điện trong giá thành sẽ cao hơn, từ 0,06-0,6%. Lý giải nguyên nhân điện tăng ở mức 7,5%, ông Đinh Quang Tri cho biết năm 2014, EVN nhiều lần báo cáo Bộ Công thương, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn nên chưa cho phép điều chỉnh.
Biểu giá điện cụ thể sẽ được Bộ Công thương công bố trong tuần sau. |
Tháng 1/2015, EVN đã có tờ trình cuối cùng, trong đó có tính cả chi phí cập nhật đầu vào, tăng trên khoảng 12% nhưng căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế nên EVN đề xuất ở mức 9,5%. Bộ Công thương cũng đưa ra 3 phương án: 7,5%; 8,5% và 9,5%. Sau khi cân nhắc, Chính phủ chỉ cho phép điều chỉnh 7,5% và yêu cầu EVN có các giải pháp tăng năng suất lao động, điều hành hiệu quả và đảo bảm lợi nhuận trên 1%. Với mức tăng giá này, kể từ 16-3, doanh thu của EVN tăng khoảng 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về khả năng giá điện sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, ông Đinh Quang Tri cho biết, Chính phủ đã quy định giá trần bán lẻ điện là 1.835 đồng/kWh, mà qua đợt điều chỉnh này hiện ở 1.622 đồng/kWh, bằng 86% giá trần. “Chúng tôi sẽ tính toán hằng tháng, nếu đủ điều kiện chi phí tăng lên thì sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt. Nếu giá khí, dầu, than ổn định thì điều chỉnh giá điện năm nay sẽ không có tiếp. Nhưng nếu các yếu tố đầu vào biến động thì sẽ báo cáo”.
Tuy nhiên ông Tri cũng cho biết dự báo các yếu tố đầu vào của 2015 đều khá ổn định: chênh lệch tỷ giá không phát sinh nhiều, giá khí và than cũng sẽ không có điều chỉnh lớn (hiện giá than thế giới đang giảm cũng sẽ tạo sức ép để Tập đoàn Than – Khoáng sản không thể tăng giá. Năm 2016 EVN sẽ nhập những tấn than đầu tiên, sẽ tạo ra cạnh tranh giữa giá than trong nước và nước ngoài…). Những yếu tố này sẽ giúp giá điện trong nước ổn định.
Về khả năng giải quyết các vấn đề nội tại của EVN như tăng năng suất lao động, giảm tổn thất, đại diện Tập đoàn này cho biết, năm 2014 EVN không cho phép các đơn vị tăng biên chế, trừ trường hợp đưa các trạm mới vào vận hành. Dự tính năng suất lao động năm 2015 sẽ tăng 9%. Về biểu giá cụ thể đối với từng mức sử dụng, đại diện Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét thiết kế biểu giá bậc thang, thu hẹp khoảng cách bù chéo và vẫn tiếp tục chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo.