Tăng cường tiết kiệm điện trong nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 28/11/2018, 08:16
Theo Bộ NN&PTNT, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích nuôi tôm hiện nay khoảng 635.000 ha, chiếm trên 75% diện tích nuôi tôm cả nước. Qua khảo sát tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, phần lớn các hộ nuôi đều sử dụng thiết bị sục khí ô-xy truyền thống, hiệu suất thấp, tiêu hao nhiều điện năng.


Từ thực tế trên, được sự chấp thuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã triển khai, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm điện tại các vùng nuôi tôm đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp. Việc đưa công nghệ mới và hướng dẫn kỹ thuật đã giúp nghề nuôi tôm của nông dân ĐBSCL mỗi năm tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVNSPC, tại khu vực ĐBSCL, nuôi tôm hiện là ngành có thu nhập cao của nhiều hộ dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Để tôm nuôi đạt chất lượng, năng suất cao buộc phải áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó dùng điện để chạy giàn quạt sục khí ô-xy tạo môi trường nước tốt cho tôm đang được sử dụng rộng rãi.

“Để dẫn điện đến từng ao tôm, ngành Điện đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để nâng cấp, đầu tư mới lưới điện. Từ năm 2017 đến 2020, để phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang, ngành Điện sẽ đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 1.645 km đường dây trung thế; 3.084 km đường dây hạ thế; nâng cấp 2.708 trạm biến áp và 2.011 trạm biến áp được xây mới”, ông Đức thông tin… 

Nhân viên Điện lực Sóc Trăng tuyên truyền cho người dân Vĩnh Châu về cách sử dụng điện tiết kiệm và an toàn trong nuôi tôm.

Tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 11-2018, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh là 55.836 ha (23.429 ha tôm sú; 32.407 ha tôm thẻ chân trắng). Bà Phan Bạch Vân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Sóc Trăng) cho biết, trong quá trình nuôi tôm, điện chiếm từ 5% - 10% chi phí trong vụ nuôi.

Vì vậy, đơn vị đã phối hợp với ngành Điện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong bà con nuôi tôm về những giải pháp tiết kiệm điện, nhằm hạ chi phí giá thành, giúp bà con có nhiều lợi nhuận hơn.

Theo ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, thời gian qua, tại các địa phương có nuôi tôm, ngành Điện đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.

Chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam vào đầu tháng 2-2017 tại Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu chậm nhất vào năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta đạt 10 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành… trong đó có EVN. Cụ thể, ngành Điện phải tổ chức rà soát, có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm… Để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia và các chỉ đạo của Chính phủ, EVN nói chung, EVNSPC và các công ty thành viên tại các tỉnh ĐBSCL nói riêng cần rất nhiều nguồn vốn để triển khai các chương trình hỗ trợ các hộ nuôi tôm trong thời gian tới; đồng thời nghiên cứu các giải pháp về tích hợp nuôi tôm với các hệ thống nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời. Mặt khác, người nuôi tôm cũng cần hỗ trợ lại ngành Điện trong việc sản xuất nuôi tôm theo vùng quy hoạch; phổ biến, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sử dụng điện an toàn; áp dụng cải tiến công nghệ, thực hành sử dụng hiệu quả và tiết kiệm, nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi ích.

Mới đây, tại xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên), Công ty Điện lực Sóc Trăng phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức hội thảo với nội dung: “Các giải pháp an toàn, tiết kiệm điện trong nuôi tôm”, đã nhận được sự quan tâm của hơn 100 người dân nuôi tôm trên địa bàn xã. Sau khi được cán bộ Điện lực thông tin về các mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm (như: thay thế gối đỡ trục giàn quạt tạo khí ô-xy chữ U bằng con lăn trục quay và đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn giàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn chữ U hiệu quả), bà con rất tâm đắc với mô hình trên.

Ông Lê Phát Minh, thành viên HTX nuôi tôm Thành Đạt (ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1), cho biết việc sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U mang lại lợi ích kép cho các hộ nuôi tôm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí điện năng, mô hình còn góp phần giảm thiểu hư hỏng các thiết bị. Qua thời gian sử dụng, ông thấy lượng điện tiêu thụ cho việc nuôi tôm giảm từ 15- 20% so với trước khi áp dụng.

Trước đó, EVNSPC cho Điện lực Sóc Trăng triển khai thí điểm mô hình tiết kiệm điện để hỗ trợ các hộ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm. Theo đó, đã thực hiện hỗ trợ được 833 hộ nuôi, diện tích 543,6ha với 26.378 con lăn trục quay… giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm 15,2% điện năng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, thành viên Hiêp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) chia sẻ, đây là mô hình giúp hòa tan ô-xy trong ao nuôi ổn định hơn, tạo môi trường sống tốt cho tôm.

“Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác, mỗi tháng chi phí tiền điện cho nuôi tôm lên đến hàng trăm triệu đồng thì việc giảm từ 38-40% lượng điện tiêu thụ hằng tháng là rất lớn; giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí để tái đầu tư mở rộng sản xuất. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng và ngành Điện sớm nhân rộng mô hình này, để nhiều người nuôi tôm cùng hưởng lợi”, ông Nhiệm nói.

Đề án hỗ trợ tiết kiệm điện trong nuôi tôm ở Sóc Trăng được thực hiện với 2 giải pháp, gồm: giải pháp 1 sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho giàn quạt; giải pháp 2 sử dụng gối đỡ con lăn kết hợp chỉnh đồng trục giàn quạt với trục quay của động cơ. Kết quả cho thấy gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U trong nuôi tôm tiết kiệm được 15,2% điện năng. Còn khi lắp đặt trục quay của động cơ đồng trục với trục quay của giàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn thay thế dàn quạt không đồng trục gối đỡ chữ U, tiết kiệm điện được 38,7% điện năng…
Đức Văn
.
.
.