Tận dụng ưu đãi thuế, gia tăng xuất khẩu từ Hiệp định RCEP
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) (FTA ASEAN +6). Đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối.
Mục tiêu của RCEP là tích hợp các FTA khác nhau mà 10 nước ASEAN đã ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc (FTA ASEAN+) thành một hiệp định toàn diện để tối đa hóa các lợi ích kinh tế.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, với sự tham gia của 16 nước, khi hoàn tất và ký kết hiệp định, RCEP sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với thị trường 3,5 tỷ dân (chiếm 50% dân số thế giới), chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và khoảng 28% tổng kim ngạch thương mại thế giới.
RCEP khi hoàn tất đàm phán và ký kết sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với nền kinh tế và DN Việt Nam. |
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính Phạm Tuấn Anh cho biết, Hiệp định RCEP sẽ có mức độ cam kết sâu rộng hơn với những tiến bộ đáng kể hơn với các FTA ASEAN+ hiện hành, trong khi ghi nhận sự phát triển khác nhau của các bên tham gia.
Điều đó tức là, ngoài việc hướng đến mức độ cam kết tự do hóa (tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ) cao hơn những FTA ASEAN+ hiện hành, hướng đàm phán về thuế quan trong RCEP cho phép mỗi quốc gia có thể có những biểu thuế khác nhau đối với các đối tác khác nhau của nước đó.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, RCEP khi hoàn tất đàm phán và ký kết sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với nền kinh tế và DN Việt Nam.
Theo đó, RCEP sẽ giúp DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực nhờ ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa. Bên cạnh đó, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN dễ dàng khai thác lợi ích của các FTA đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Như vậy, RCEP giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN+ hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.
Ngoài ra, RCEP giúp DN có thể giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, RCEP cũng mang lại không ít thách thức như sự khác biệt về yêu cầu chất lượng hàng hoá… Do vậy, để cạnh tranh được, hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng linh hoạt các yêu cầu của đối tác.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Quỳnh Nga cũng cho hay, hiện nay, đoàn đàm phán RCEP của Việt Nam vẫn đang tích cực tham vấn ý kiến cộng đồng DN, để làm cơ sở chỉnh sửa, bổ sung các nội dung đàm phán phù hợp, đem lại lợi ích tối đa cho DN trong nước.
Do đó, DN cần tích cực góp ý, trao đổi ý kiến với cơ quan chức năng về các vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà DN quan tâm hoặc có lợi ích…, nhằm mục tiêu khi hoàn tất RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, hạn chế tác động bất lợi cho DN Việt. Vì vậy, các DN cần tích cực chuẩn bị để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định RCEP, bằng cách tìm hiểu và nắm rõ bản chất các cam kết, xác định vị trí, lĩnh vực của DN mình sẽ chịu tác động.