Tái tạo Văn hoá Petrovietnam gắn với hoạt động chung của Tập đoàn

Thứ Sáu, 04/09/2020, 10:12
Ngày 3/9 tại Hà Nội, đúng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975 – 3/9/2020) Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam đã chủ trì Kỳ họp Ban Chỉ đạo lần thứ III.

Tham dự có Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn.

.Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng phát biểu.

Khai mạc Kỳ họp, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, nhấn mạnh Tái tạo Văn hoá Petrovietnam là một trong những nhiệm vụ quan trọng và lâu dài để giúp Tập đoàn duy trì hoạt động một cách hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, Kỳ họp sẽ nhằm đánh giá kết quả thực hiện “Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam” (Đề án)  trong thời gian qua và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới, qua đó rút ra những bài học, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả, đồng bộ Đề án trong toàn Tập đoàn.

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp chỉ rõ, một số nội dung của Đề án đã được triển khai và bước đầu mang lại kết quả như: hoàn thiện ban hành bộ quy chế phục vụ công tác quản trị; xây dựng đoàn kết nội bộ gắn với kỷ cương, kết quả công việc và hiệu quả lao động, nghiêm khắc phê bình những cá nhân vi phạm nội quy lao động; đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ, đổi mới nội dung, giao diện intraweb, thông qua các sự kiện, hoạt động ứng phó với giá dầu giảm, phòng chống dịch Covid-19, các đợt tuyên truyền Đại hội Đảng, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Tập đoàn… tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người lao động.

Trong công tác điều hành của Tập đoàn, việc tiếp nhận thói quen quản trị hiệu quả tạo sự đoàn kết, đồng thuận; công tác phối hợp giữa các bộ phận, phân cấp, phân quyền có sự đồng nhất trong chủ trương bước đầu mang lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; vai trò nêu gương của lãnh đạo góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, thái độ chấp hành công việc một cách tự nguyện của CBCNV tại cơ quan Tập đoàn.

Tại các đơn vị, mặc dù ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid 19 và giá dầu sụt giảm, nhưng công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn được quan tâm, một số đơn vị đưa nội dung đẩy mạnh thực hiện văn hóa doanh nghiệp là một trong những giải pháp phát huy giá trị nền tảng của đơn vị từ đó vận động CBCNV chung tay, hợp sức vượt qua khủng hoảng. Điều đó đã được thể hiện rõ trong 8 tháng qua, kể cả giữa lúc dịch bệnh đang ở cao trào, chưa một công trình, dự án trọng điểm nào, chưa một nhà máy, xí nghiệp nào của Petrovietnam ngừng hoạt động. Gần 60 ngàn người lao động vẫn miệt mài cống hiến, tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ kế hoạch được giao phó.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong Tập đoàn tích cực phối hợp để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả trong cả chuỗi giá trị, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Phương châm “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích” được triển khai đồng bộ, có kết quả, tạo ấn tượng trong Tập đoàn và toàn xã hội.

Một số đơn vị vận dụng cẩm nang, đề án của Tập đoàn, xây dựng quy định về văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị và có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn, có sự đầu tư về tâm, sức, tài chính cho công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp với sự tư vấn của những chuyên gia có uy tín và hơn cả là việc triển khai thực hiện một cách hệ thống, nghiêm túc với sự đồng thuận cao của CBCNV cũng như ý chí của lãnh đạo đơn vị.

Quá trình chuẩn bị và diễn ra đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nội dung tái tạo văn hóa Petrovietnam được nhấn mạnh trong các văn kiện và thảo luận sôi nổi tại các diễn đàn. Qua đó nâng cao nhận thức, tạo đà cho việc triển khai sâu rộng Đề án trong những năm tới.

Qua 8 tháng triển khai, Đề án bước đầu nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ nhân viên, các đơn vị trong Tập đoàn, tạo sự thay đổi nhận thức về vai trò của văn hóa Petrovietnam. Tại cơ quan Tập đoàn việc xây dựng môi trường văn minh công sở, bình đẳng cơ hội từng bước hoàn thiện tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án.

Những giá trị văn hóa cốt lõi được đưa ra tại cẩm nang văn hóa Dầu khí được thể hiện rõ nét qua việc hình thành thói quen văn hóa mới như: ứng phó biến động, tiếp nhận và xử lý công việc trên nền tảng công nghệ. Công tác truyền thông có sự kết hợp giữa bên trong và bên ngoài Tập đoàn tạo hiệu ứng tích cực cho quá trình triển khai Đề án.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị áp dụng thực hiện một số nội dung của đề án, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Đề án một cách thường xuyên, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trọng tâm còn lại trong Đề án theo đúng kế hoạch.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đánh giá việc triển khai Đề án trong thời gian qua đã triển khai một cách tích cực, bài bản, đạt hiệu quả khả quan. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tập trung trí tuệ, nguồn lực triển khai Đề án Tái tạo Văn hoá Petrovietnam gắn liền với thực hiện chiến lược phát triển Tập đoàn. Thực hiện văn hóa từ những việc thường xuyên, hàng ngày: xây dựng văn hóa đúng giờ, văn hóa hội họp, văn hóa ứng dụng công nghệ, văn hóa hiệu quả, văn hóa phối hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống quản trị; tập trung rà soát, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đẩy mạnh công tác đào tạo.

Tăng cường truyền thông nội bộ, truyền tải các thông tin đến từng cán bộ, người lao động hiểu rõ mục tiêu và ý nghĩa của việc thực hiện Đề án; cần xác định rõ việc tái tạo Văn hoá Petrovietnam gắn chặt, phát triển cùng với các hoạt động của Tập đoàn và vì sự phát triển của Tập đoàn.

An An
.
.
.