Tái diễn tình trạng lập trang web giả mạo lừa bán vé máy bay dịp Tết
- Nữ thạc sĩ lừa đảo bán vé máy bay lĩnh gần 16 năm tù
- Cảnh báo trò lừa đảo bán vé máy bay về nước tránh dịch
Có nhu cầu bay Hà Nội – Đà Lạt vào cuối tháng 11 nên chị T.H đã lên mạng tìm kiếm website đặt vé của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, sau khi hiện kết quả tìm kiếm, do không kiểm tra kỹ lưỡng nên chị đã nhấp chuột truy cập website www.vietnamairslines.com.
So với website chính thứcwww.vietnamairlines.com của Vietnam Airlines, tên miền của website này có thêm chữ “s”, được chèn vào giữa từ “Airlines” khiến khách hàng khó phân biệt. Website này còn có giao diện, màu sắc và các thao tác đặt vé tương tự với website chính thức Vietnam Airlines. Nữ khách hàng tiến hành chuyển khoản 4 triệu tiền vé và vẫn nhận được thông tin kèm mã vé máy bay qua email.
Sau đó, khi nhận ra điểm bất thường trên website đặt vé, khách hàng kiểm tra lại mã đặt chỗ trên website chính thức của Vietnam Airlines nhưng không tìm ra kết quả gì. Liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé, nữ khách hàng đều không thể liên lạc được và lúc này mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website lừa đảo.
Mua vé máy bay dịp cuối năm, hành khách nên cẩn trọng không dễ bị “lừa”. |
Trước đó, vào đầu năm 2020, một nam hành khách được bạn nhờ đặt vé nên đã tìm kiếm trang web của Vietnam Airlines và vào nhầm website www.vietnamairilines.com. Tên miền website này có chữ “i” được chèn vào giữa từ “airlines” khiến khách hàng khó phân biệt so với trang web chính thức của Vietnam Airlines.
Trang web này vẫn cho đặt vé và thanh toán bình thường. Sau khi có thư điện tử xác nhận và tài khoản báo trừ tiền, nam hành khách này chờ mãi không thấy thư báo thông tin chuyến bay. Lúc này, hành khách mới xem lại và phát hiện mình đã vào nhầm trang web giả mạo…
Trường hợp khách hàng vào nhầm trang web như trên không phải là hiếm. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng lừa đảo đặt vé, lãnh đạo Vietnam Airlines đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý các website có dấu hiệu vi phạm về:
Sử dụng logo, nhãn hiệu, hình ảnh của Vietnam Airlines, Bản quyền thiết kế giao diện website, công bố thông tin, đăng ký, sử dụng tên miền có dấu hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của Vietnam Airlines.
Ngay sau đó, thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra, xác minh tên, địa chỉ của chủ sở hữu, làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp có hành vi sử dụng nhãn hiệu của Vietnam Airlines trên nội dung các website loại bỏ dấu hiệu vi phạm.
Kết quả website đã loại bỏ các dấu hiệu vi phạm như: www.vietnamairlinesvn.com (website này hiện đã không còn hoạt động); www.vnairlines.com: chủ sở hữu đã loại bỏ các dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của Vietnam Airlines trên 2 website www.vietnamairslines.com, www.vietnamaairlines.com.
Vietnam Airlines và cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp để xác minh tên, địa chỉ, chủ sở hữu hai tên miền này để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, Vietnam Airlines Group một lần nữa khuyến nghị hành khách nên mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định...
Đối với khách mua vé trên website, cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của Vietnam Airlines là: www.vietnamairlines.com. Những website còn lại không phải kênh bán hay đối tác chính thức của Vietnam Airlines, hành khách mua vé từ đây sẽ không được đảm bảo quyền lợi, có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá...