Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung:

Tỏa sáng tài năng, ý chí và tấm lòng nhân ái

Thứ Năm, 04/02/2021, 10:00
Ở cả AHLĐ Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung đều hội tụ phẩm chất vàng của doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, không ngừng lao động, cống hiến cho cộng đồng xã hội bằng sự sẻ chia và giúp đỡ ân tình đối với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn; tích cực đồng hành và ủng hộ các phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc và quốc tế.


Anh hùng Lao động (AHLĐ) Lê Văn Kiểm hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Golf Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành -Viêng Chăn; Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam. AHLĐ Trần Cẩm Nhung - vợ ông là hậu phương vững chắc, luôn đồng hành cùng chồng trong công việc kinh doanh. Bà hiện là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Golf Long Thành; đồng thời là Ủy viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đặc biệt, ở cả AHLĐ Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung đều hội tụ phẩm chất vàng của doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, không ngừng lao động, cống hiến cho cộng đồng xã hội bằng sự sẻ chia và giúp đỡ ân tình đối với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn; tích cực đồng hành và ủng hộ các phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung.

Dấu ấn thời thanh niên nhiệt huyết

Ông Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trung kiên trên quê hương Thừa Thiên Huế. Năm 1946, khi mới một tuổi ông đã theo ba mẹ là bộ đội lên chiến khu ở Ba Lòng - Quảng Trị. Ba năm sau (1949) ba ông hy sinh; từ đó ông lớn lên trong sự yêu thương của người mẹ và sự đùm bọc chở che từ những người đồng đội của cha mẹ.

Năm 1954, cùng với nhiều học sinh miền Nam khác, ông được Đảng, Bác Hồ và Nhà nước đưa ra học tập và đào tạo tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc nhằm đáp ứng sự phát triển cho đất nước sau này. Năm 1964, ông trúng tuyển vào trường Đại học Thủy Lợi, những năm tháng học tập tại đây đã đặt nền tảng tri thức và hình thành nên ước mơ hoài bão trong ông.

Đến năm 1965, như bao thanh niên khác, ông hăng hái tham gia quân đội và được chọn vào quân chủng không quân. Sau một thời gian bồi dưỡng sức khỏe tại sân bay Bạch Mai để sang Liên Xô học lái máy bay MIC 21, nhưng vì là con duy nhất của liệt sĩ thuộc diện chính sách, nên cấp trên đã đưa ông trở lại mái trường Đại học Thủy lợi đang sơ tán tại Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), để tiếp tục học tập nhằm đạo tạo lớp cán bộ tương lai cho miền Nam và đất nước.

Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chúc mừng đồng chí Lê Văn Kiểm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2 (Ngày 28/11/2020).

Năm 1969, ông tốt nghiệp Đại học với tấm bằng kỹ sư. Điều hết sức đặc biệt và may mắn trong những năm tháng học tập trên đất Bắc, ông đã gặp và đem lòng thương mến cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung - cũng là một học sinh miền Nam trên đất Bắc. Trước đó vào năm 1954 khi chỉ mới 8 tuổi, một mình cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung đã theo đoàn con cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc học tập, còn ba má được phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 30/4/1970, hai người đã tổ chức một đám cưới giản dị và một năm sau cậu con trai Lê Huy Hoàng chào đời.

Với lòng yêu nước, khao khát cống hiến sức trẻ và để báo đáp sự hy sinh của thế hệ ông cha, năm 1971, một lần nữa anh thanh niên Lê Văn Kiểm đã chích máu viết đơn tình nguyện xin vào quân đội. Sau đó, ông lại viết đơn xung phong đi vào chiến trường miền Nam - nơi đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt. Những ngày tháng ở chiến trường, người lính Lê Văn Kiểm đã trải qua những cơn sốt rét ác tính, nếm đủ gian khổ từ chiến trường Nam Lào, Tây Ninh và trên đất bạn Campuchia. Biết rằng gian khổ nhưng vô cùng thiêng liêng, ý chí và cuộc đời con người dường như nếu không có những lần “thử lửa” như thế thì khó lòng có được quyết tâm, bản lĩnh kiên cường.

Ngày 27/4/1975, ông được lệnh cấp trên đi trong Đoàn của Trung ương Cục miền Nam về tiếp quản Sài Gòn; tối 29/4/1975, đoàn quân đã áp sát Sài Gòn tại rừng huyện Củ Chi. Vào lúc 14h ngày 30/4/1975 lịch sử, ông đã có mặt tại Sài Gòn trong đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn và công tác tại Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn Gia Định. Năm 1976, cô con gái Lê Nữ Thùy Dương chào đời, gia đình ông giờ đây đủ cả tẻ, cả nếp.

Khép lại hành trang cuộc đời trong chiến tranh, lửa khói, người lính Lê Văn Kiểm lại tiếp tục vững vàng “chiến đấu” trên mặt trận mới, đó là thương trường làm giàu cho gia đình và đất nước.

Đoàn Đại biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam  dự Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” chúc mừng Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm và  Trần Cẩm Nhung..

Ngọc càng mài càng sáng

Vào thời điểm năm 1986, khi công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước bắt đầu được khởi động, cũng là lúc vợ chồng ông Lê Văn Kiểm – bà Trần Cẩm Nhung đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Hoàng, sau đó chuyển thành Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng.

Đây là một trong những công ty tư nhân ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Với việc đầu tư những dây chuyền, thiết bị đồng bộ và tiên tiến nhất được nhập khẩu từ Nhật Bản và Italia, Công ty Huy Hoàng đã trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam vào những năm 1987 – 1990. Năm 1990, công ty của ông còn mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, xây dựng nhà cửa với hàng chục dự án được triển khai, có dự án vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu USD.

Nhắc đến ông bà, người ta cũng nhớ đến ngay tác giả giải quyết nạn kẹt xe trên đường phố qua công trình giao thông nút Hàng Xanh nằm ở cửa ngõ vào TP. Hồ Chí Minh. Công trình được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm chào mừng 20 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/1995). Với chất lượng tốt, công trình đã đưa vào sử dụng hơn 25 năm mà không bị hư hỏng, sửa chữa. Toàn bộ lợi nhuận thu được khi làm công trình này ông bà đã đem đóng góp vào xây dựng đền thờ các Anh hùng, liệt sĩ tại Bến Dược, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Năm 1997, xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đã khiến doanh nghiệp của ông, bà kề cận bờ vực bị phá sản. Để vượt qua khó khăn, ông bà đã có sáng kiến viết bức tâm thư gửi Trung ương Đảng và Chính phủ để xin giãn nợ từ 3 đến 5 năm để củng cố sản xuất, đảm bảo trả được khoản nợ hơn 700 tỷ đồng. Được Bộ Chính trị và Chính phủ có văn bản đồng ý, sau 3 năm nỗ lực, vợ chồng ông bà đã trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng, tránh thất thoát cho nhà nước hơn 500 tỷ đồng.

“Ngọc càng mài càng sáng”, năm 2001, ông Lê Văn Kiểm quyết định xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 350 ha. Đây là sân Golf đầu tiên của Việt Nam hoàn toàn do ông bà là người Việt Nam duy nhất tự quy hoạch, thiết kế, tự thi công xây dựng và tự quản lý điều hành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đa phần CBCNV trong công ty là con em các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ hoặc đã từng tham gia bộ đội và các gia đình nghèo tại địa phương. Golf Long Thành được bình chọn là sân golf đẹp nhất, tốt nhất ở Việt Nam và là một trong những sân golf đẹp nhất châu Á. 

Nối tiếp thành công của sân golf Long Thành và sân golf Long Viên – thuộc Đặc khu kinh tế tại Lào, doanh nhân Lê Văn Kiểm tiếp tục đầu tư đưa vào hoạt động sân golf KN Golf Links - một hạng mục thuộc Quần thể Đô thị - Giải trí – Nghỉ dưỡng KN Paradise. KN Golf Links đã được vinh danh là sân golf mới tốt nhất châu Á -Thái Bình Dương tại Asian Golf Awards 2018.

Miệt mài lao động để trở thành một doanh nhân thành đạt đã giúp vợ chồng AHLĐ Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung thực hiện tâm niệm tốt đẹp của mình là giúp đỡ cộng đồng, thực hiện các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, tri ân đồng đội và những người có công với đất nước... Được biết, tổng số tiền vợ chồng ông bà dành cho các chương trình từ thiện xã hội, đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa tính đến nay đã lên đến trên 1.300 tỷ đồng.               

Ngày 28/11/2020, tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, ông Lê Văn Kiểm - Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam và bà Trần Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Công ty Golf Long Thành đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Điều đặc biệt là lần đầu tiên có hai vợ chồng cùng được trao tặng AHLĐ và ông Lê Văn Kiểm lần thứ hai được nhận danh hiệu cao quý này. Đây là minh chứng cho những đóng góp thầm lặng vì cộng đồng của vợ chồng AHLĐ Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2019, tạp chí Forbes (tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới) đã bình chọn và công bố danh sách 30 “Anh hùng từ thiện” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có nhiều cống hiến cho hoạt động từ thiện, Việt Nam có hai doanh nhân góp mặt trong danh sách là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung. Cả hai xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với những cống hiến không ngừng trong những năm qua, ông bà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ doanh nhân nói chung, doanh nhân cựu chiến binh nói riêng trong việc tích cực chung sức vì cộng đồng để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.



Mai Ly
.
.
.