Phát hiện hàng loạt cơ sở công nghiệp xả thải thẳng ra môi trường

Thứ Bảy, 03/01/2015, 10:21
Trung bình mỗi ngày có 240.000m³ nước thải chưa qua xử lí từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường. 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ đầu năm đến nay, Bộ này đã xử phạt trên 74 tỷ đồng đối với các vi phạm về môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), đình chỉ 37 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm của các cơ sở sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì chi phí vận hành hệ thống xử lí nước thải tập trung (HTXLNTTT) rất tốn kém.

Tràn lan vi phạm

Đầu tháng 12 vừa qua, Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã kiểm tra đột xuất Trung tâm KCN xử lý chất thải dệt may Phố Nối (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Đơn vị này chịu trách nhiệm xử lý nước thải của 11 doanh nghiệp trong KCN Phố Nối B (Hưng Yên). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 2/4 bể xử lý nước thải ngừng hoạt động, nước thải được đấu tắt bằng đường ống thép vào hệ thống lọc than hoạt tính.  Hầu hết nước thải tại KCN này có màu đen đặc trưng của nước thải dệt nhuộm. Theo quy định, nước thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn A. Tuy nhiên, theo kết luận của Đoàn thanh tra, nước thải ở đây đã không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Nước thải tại KCN Phố Nối B (Hưng Yên) không đạt tiêu chuẩn quy định.

Trong đợt kiểm tra đột xuất này, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt quả tang nhiều vụ xả chất thải công nghiệp độc hại chưa qua xử lý ra thẳng môi trường, với khối lượng lớn như vụ xả nước thải dệt nhuộm của Công ty CP Bitexco Nam Long (Thái Bình); Công ty CP Dầu thực vật Quang Minh (Hưng Yên)… Đặc biệt Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (TP Hồ Chí Minh) đã bị cơ quan chức năng xử phạt lên tới 6,3 tỷ đồng. Khi bị phát hiện, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, doanh nghiệp vi phạm vì lý do khách quan do hệ thống xử lí nước thải đang trong quá trình cải tạo, có một số hạng mục chưa hoàn thành.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường, năm 2014, toàn ngành đã tiến hành 786 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 2.685 tổ chức, cá nhân. Qua đó đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 763 tổ chức, cá nhân với số tiền là 74 tỷ 979 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Doanh nghiệp không “ngại” nộp phạt

Ông Lương Duy Hanh – Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, hiện nay, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng vẫn còn khoảng 30% KCN chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện. Đối với các KCN đã có HTXLNTTT thì hệ thống này cũng vận hành không hết công suất mà chỉ xử lí được khoảng 60% lượng nước thải, phần còn lại hầu hết được xả thẳng ra môi trường. Đây là hậu quả của một thời gian dài, các địa phương chỉ quan tâm đến thu hút đầu tư mà chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp giám sát, xử lý chất thải bảo vệ môi trường.

Hiện nay, chế tài xử phạt trong lĩnh vực môi trường đã được điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt hành chính. Theo đó, hành vi vi phạm về môi trường có thể bị xử phạt lên tới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ sở cố tình vi phạm với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. TS Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì vận hành hệ thống xử lí nước thải rất tốn kém. Theo ông Tùng, để giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất, cần phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện những sai phạm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% HTXLNTTT của các khu công nghiệp có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Khánh Vy
.
.
.