Phân bón giả tràn lan tại nhiều tỉnh Tây Nguyên
Anh Nguyễn Văn Nam, trú tại thôn 16, xã Đắk Sin, huyện Đắk Rlấp bức xúc: Gia đình đã mua 5 tạ phân NPK 16-16-8+TE nhãn hiệu “Con cóc” do Công ty CP Thiên Phước sản xuất về bón cho vườn cà phê với mong muốn tăng sức cho cây và trái. Không ngờ sau khi bón phân được 5 ngày, phát hiện cà phê có những biểu hiện bất thường, phần rễ cây cà phê đã chuyển sang màu đen và thối rữa.
Cho đến nay, đã có khoảng 1/3 trong số 1,2ha cà phê của anh Nam bị rơi vào tình trạng nói trên. Xã Đắk Sin có diện tích hơn 10ha cà phê bị rơi vào tình trạng trên sau khi bón phân NPK nhãn hiệu “Con cóc” mua tại đại lý kinh doanh phân bón Nguyễn Huệ ở thôn 12, xã Đắk Sin. Khi bón thì phân vẫn còn hạn sử dụng.
Bà Phạm Thị Huệ, chủ đại lý cũng xác nhận, đầu năm 2015, bà đã mua tổng cộng 140 bao phân NPK nhãn hiệu này của Công ty CP Thiên Phước bán cho người dân trên địa bàn. Việc mua bán phân được thực hiện một cách hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Phía đơn vị cung cấp phân cũng đưa ra cam kết là phân đảm bảo chất lượng, hợp quy chuẩn theo quy định. Đến nay, toàn bộ 140 bao phân đều đã được đại lý bán hết.
Trước đó ở Gia Lai, nông dân Nguyễn Văn B. ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai phản ánh có mua phân bón chăm sóc vườn tiêu gia đình nhưng qua kiểm tra hòa tan phân trong nước cho thấy một lượng lớn không hòa tan mà có chất dẻo giống đất sét, để lâu thì khô cứng lại. Phân bón trên gia đình mua tại Đại lý Phân bón - Thuốc trừ sâu Luyên Linh trên địa bàn Ia Grai, nhãn hiệu phân bón hỗn hợp NPK (Ure-Silic: 31-1-21SiO2) của Công ty TNHH Thiên Ngưu ở ấp 4, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; được sản xuất ngày 2/1/2014 và có hạn sử dụng đến ngày 2/1/2016.
Cà phê của người dân bị cháy lá, chết khô sau khi bón phân không đảm bảo. |
Ngày 12-11, Đội Quản lý thị trường lưu động, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, đã phối hợp cùng Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành lấy mẫu phân bón kiểm tra tại cơ sở sản xuất phân bón ở 687 Trường Chinh, TP Pleiku, Gia Lai, thuộc Công ty TNHH Sinh Thái miền Trung Việt Nam đóng ở 79- Tôn Thất Tùng, TP Pleiku do ông Phạm Việt Hùng làm giám đốc, để tiến hành điều tra làm rõ chất lượng, nguồn gốc phân bón...
Trước đó, qua kiểm tra tại địa chỉ này, cơ quan chức năng phát hiện một lượng phân bón vô cơ, hữu cơ, chế phẩm sinh học được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Doanh nghiệp này đã bán ra thị trường 62.513 lít, thu số tiền hơn 4 tỷ đồng. Số tồn kho trị giá số tiền khoảng 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hùng không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất phân bón tại địa chỉ này. Ông Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra 104 cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón trên địa bàn Gia Lai đã phát hiện 62 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính trên 880 triệu đồng.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, Công ty Thiên Phước đã không công bố hợp quy theo quy định mà vẫn bán ra thị trường hai sản phẩm phân bón cao cấp Thiên Phước với nhãn hiệu con cóc gồm: Phân bón cao cấp Thiên Phước 16-16-8+TE và 20-20-15+TE đa năng.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Thiên Phước 25 triệu đồng và Đại lý phân bón Nguyên Huệ tại thôn 16, xã Đắk Sin, huyện Đắk Rlấp 4,5 triệu đồng, đồng thời thu hồi toàn bộ số phân bón đã sản xuất.
Xử lý nhiều doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi vi phạm -Ngày 12/11, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Cục Chăn nuôi đã bất ngờ thanh tra đột xuất và phát hiện Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (trụ sở tại Khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP Hải Dương) sử dụng chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi. Đây là chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chăn nuôi. Tại hiện trường xưởng sản xuất, đoàn kiểm tra đã tịch thu và niêm phong 14kg chất vàng ô được doanh nghiệp sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Đoàn kiểm tra đã niêm phong, lập biên bản vi phạm đối với doanh nghiệp và lấy mẫu sản phẩm để phục vụ quá trình kiểm tra thành phần chất cấm Salbutamol nếu có. Vàng ô là chất ngoài danh mục, chỉ được phép sử dụng tạo màu cho công nghiệp dệt, nhuộm, giấy. Qua thực nghiệm trên động vật, chất vàng ô có thể gây ung thư. (N.Y.) -Thanh tra Bộ NN và PTNT đã quyết định xử phạt 140 triệu đồng đối với Công ty CP TMSX Bắc Âu Mỹ ở phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai về hành vi sản xuất thức ăn bổ sung CP ADE Calcitin B12 có chứa chất cấm Sabutamol. DN này còn bị phạt thêm số tiền 300 triệu đồng với hành vi sản xuất 10 loại thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời bị phạt 30 triệu đồng với lỗi vi phạm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không có phòng phân tích kiểm nghiệm hoặc không có hợp đồng thuê phân tích kiểm nghiệm sản phẩm. Tổng cộng 470 triệu đồng. Liên quan đến Công ty TNHH Thuốc Thú y - Thủy sản Cường Phát đóng tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, Thanh tra Bộ NN và PTNT cũng đã quyết định xử phạt ở mức 140 triệu đồng với hành vi sản xuất thức ăn bổ sung CP ADE Calcitin B12 có chứa chất cấm Sabutamol. Xử phạt về hành vi kinh doanh 10 loại thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam số tiền 200 triệu đồng. Tổng cộng 340 triệu đồng. (Đ.Thắng) |