PVN triển khai giải pháp ứng phó với việc giá dầu giảm sâu

Thứ Tư, 22/04/2020, 21:22
Dịch COVID-19 khiến giá dầu thế giới “lao dốc”, thậm chí giá dầu giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử. Với kinh tế Việt Nam, giá dầu ở mức thấp có cả yếu tố tiêu cực và tích cực.


Ngày 20/4 (rạng sáng 21/4 giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Giá dầu WTI ban đầu rơi xuống tận -40,32 USD/thùng rồi quay đầu tăng lên -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch. Tuy nhiên, sáng 21/4 (giờ Việt Nam) tại thị trường New York, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5 đã tăng trở lại, lên mức 1,1 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô Brent giao tháng 6 hiện được giao dịch ở mức 25,61 USD/thùng, tăng 0,15%.

Do vậy việc giảm giá WTI mang tính cục bộ tại Mỹ (do sức chứa và cung cầu) có ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trên thị trường. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Theo dự báo của các hãng dự báo nổi tiếng (IHS, WM) và các nhà phân tích của Mỹ giá dầu thô giảm chỉ trong ngắn hạn và sẽ đi lên trong tháng 6 hoặc tháng 7/2020.

Vì sao giá dầu lại ở mức âm? 

Giá một thùng dầu thường biến động phụ thuộc vào các yếu tố như cung, cầu và chất lượng. Nguồn cung nhiêu liệu đã vượt xa nhu cầu kể từ khi dịch COVID-19 buộc hàng tỷ người phải ngừng hoạt động đi lại.

Giá dầu rớt về mức âm là việc xảy ra khi người bán phải trả tiền để người mua lấy dầu vì giá đã giảm quá sâu. Đối với một số nhà sản xuất, nếu phải ngưng khai thác dầu thì có thể gây ra hư hại cho máy móc, thiết bị, gây thiệt hại kinh tế trong tương lai. Vì thế, việc bán dầu và trả tiền cho người mua, thay vì nhận tiền thì khoản chi phí này về lâu về dài sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc phải ngừng sản xuất hay tìm kiếm kho bãi mới để tích trữ lượng dầu dư thừa trên mặt đất. 

Không ít thương nhân hiện không có ý định nhận dầu vì đã chọn mua theo hợp đồng tương lai, nhằm tránh ảnh hưởng của biến động giá và mắc kẹt giữa việc giá dầu giảm quá sâu và buộc phải lựa chọn tìm kiếm kho chứa hay bán lỗ.

Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ.

Vậy là không ít người đã phải lựa chọn đưa ra quyết định trả tiền cho người mua, trong bối cảnh kho chứa ngày càng hiếm hoi vì sản lượng dầu mỏ tăng mạnh.

Giảm giá dầu ảnh hưởng đến doanh thu của PVN như thế nào?

Công thức giá bán dầu Việt Nam dựa trên trung bình giá tháng giao dầu của dầu Dated Brent do Platts định giá. Vì vậy, doanh thu của PVN cũng ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Brentdo tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục.

Theo định giá của Platts, giá dầu Dated Brent ngày 20/4/2020 là 19,1 USD/thùng, giảm 1 USD/thùng so với giá ngày 17/4. Trung bình từ đầu tháng 4, giá dầu Dated Brent ước đạt khoảng 20,5 USD/thùng.

Việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN ở mức độ khác nhau.

Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm  1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng). 

Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Giá dầu thô kế hoạch được Quốc hội thông qua cho năm 2020 là 60 USD/thùng. Với diễn biến giá dầu như hiện nay thì nộp ngân sách nhà nước của PVN giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).

Giải pháp ứng phó với biến động thị trường dầu thô của PVN

Ngay từ khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và tác động kép của khủng hoảng giá dầu từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020, PVN đã chủ động tập trung nghiên cứu và đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 và khủng hoảng về giảm giá dầu để xây dựng và triển khai đồng bộ 5 nhómgiải pháp ứng phó(bao gồm các giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách).

Toàn ngành tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất (tối thiểu 15%), giảm lương (10-20%), giảm hội họp, giao lưu... tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó, PVN chú ý đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ; cơ cấu lại các khoản nợ; đàm phán điều chỉnh lãi vay…

Cập nhật, đánh giá, phân loại xác định nhóm các dự án ưu tiên; phân kỳ đầu tư, điều chỉnh tiến độ hợp lý; giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng; tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…

Đối với giải pháp về thị trường, Tập đoàn bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp; song song kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại…Đồng thời báo cáo kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn…

Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo và nhiều tổ chuyên môn để cập nhật hàng ngày tình hình diễn biến thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó khó khăn với dịch bệnh COVID - 19 và giá dầu sụt giảm. 

An An
.
.
.