Nữ kỹ sư “thức ngày cày đêm”

Thứ Hai, 03/10/2016, 16:01
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Trà My - Phó Phòng Kỹ thuật Khai thác của Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 2, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel suy nghĩ ấy dường như tan biến. 12 năm gắn bó với Viettel, chị đã có 7 sáng kiến, 27 ý tưởng, trong đó có sáng kiến làm lợi cho Viettel gần 2,5 tỷ đồng.

Nói đến ý tưởng, sáng tạo về kỹ thuật, người ta thường nghĩ đến nam giới, thế nhưng gặp thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Trà My - Phó Phòng Kỹ thuật Khai thác của Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 2, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel suy nghĩ ấy dường như tan biến. 12 năm gắn bó với Viettel, chị đã có 7 sáng kiến, 27 ý tưởng, trong đó có sáng kiến làm lợi cho Viettel gần 2,5 tỷ đồng.

Tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, năm 2004 chính thức đầu quân cho Viettel- Tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, Trà My đã được trải nghiệm qua nhiều công việc, từ lắp đặt, tích hợp trạm BTS, rồi các thiết bị mạng lõi và bây giờ là phụ trách mảng vận hành khai thác, tối ưu hệ thống. 

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Trà My 

Những yêu cầu khắt khe đặt ra trong công việc đã khiến chị phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều để có thể vượt qua những bỡ ngỡ thuở ban đầu, từng bước hòa nhập trong môi trường mới, công việc mới. Và cũng bắt đầu từ “chiếc nôi” Viettel, niềm đam mê kỹ thuật của My đã được chắp cánh…

Nói đến Nguyễn Vũ Trà My không thể không nói đến những ý tưởng, sáng tạo. Là kỹ sư khai thác hệ thống thiết bị, My hiểu rất rõ những yêu cầu đặt ra trong công việc cũng như sự cần thiết của những ý tưởng sáng tạo để có thể làm chủ được các thiết bị, công nghệ. 

Vậy nên khi gặp bất kỳ vướng mắc nào, My đều cố gắng tìm cách giải quyết sao cho tối ưu nhất. Đó cũng chính là “mạch nguồn” để các sáng kiến, ý tưởng được nhen nhóm. Với niềm đam mê trong công việc, luôn chủ động học hỏi, tìm tòi, sẵn sàng vượt khó, suốt những năm tháng gắn bó với Viettel chị đã có nhiều giải pháp để tối ưu cho chính công việc của mình.

Còn nhớ thời điểm năm 2006, 2007, khi ấy Viettel chưa có phong trào sáng kiến ý tưởng nhưng My và những đồng nghiệp  cũng đã nghĩ ra nhiều cách làm mới để nâng cao hiệu quả công việc. Một trong số đó là ý tưởng ứng cứu thông tin hệ thống kết nối điều khiển trạm BSC Ericsson bằng thay đổi đấu nối luồng quang thay vì phải chạy thủ công từng trạm một. 

Trà My nhớ lại: “Ý tưởng này chúng tôi cũng có từ lâu rồi nhưng chưa có cơ hội để thử. Thật trùng hợp vì lần đó xảy ra sự cố hệ thống nên ý tưởng đã được thử nghiệm luôn. Và đã thành công trong thời gian khắc phục rất ngắn (bình thường có thể mất cả ngày nhưng lần đó chỉ mất vài tiếng). Đó là sáng kiến đầu tiên của chúng tôi và đã nhận được số tiền thưởng nóng là 10 triệu đồng.”

Từ khi Viettel phát động phong trào sáng kiến ý tưởng, Trà My đã đóng góp cho đơn vị 11 sáng kiến, 27 ý tưởng trong đó có 7 sáng kiến được công nhận. Tiêu biểu nhất là sáng kiến “Tận dụng Card STM1 thừa để chuyển toàn bộ trạm BTS 2G từ E1 sang STM1” với tổng giá trị làm lợi gần 2,5 tỷ đồng vào năm 2011. Hiện nay, sáng kiến này vẫn đang áp dụng trên mạng lưới.

Với Trà My, sáng kiến “Sử dụng tính năng Import Cell Frequency Data để thực hiện thay đổi tần số cho các BSC Huawei” là “đứa con tinh thần” đặc biệt nhất. Sáng kiến đã giảm đáng kể thời gian gián đoạn dịch vụ cũng như nhân lực thực hiện đồng thời tăng tính hiệu quả khi áp dụng tính năng mới vào việc khai thác thiết bị. Mới đây nhất  (quý 1-2016)  chị đã cùng đồng nghiệp Lê Tự Thành Công đóng góp thêm một sáng kiến cải thiện tỉ lệ gán kênh TCH thành công, tránh các phản ánh của khách hàng làm lợi gần 500 triệu đồng cho Tổng công ty.

Bên cạnh đó từ những phản ánh của khách hàng tại Gia Lai và Kon Tum về việc khó thiết lập cuộc gọi (từ KPI TASR tồi). Chị đã phối hợp cùng nhân viên của mình xem xét tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc khó thiết lập cuộc gọi và đề xuất phương án khai báo mới trên BTS.

Sau 2 tháng thử nghiệm tại 06 trạm BDH (diện hẹp) và tại 1 BSC (diện rộng), chị đã đưa ra giải pháp thay đổi khai báo mode hoạt động cho luồng EDGE để cải thiện khả năng thiết lập cuộc gọi thành công sau khi trạm bị reset. Phản ánh khách hàng được xử lý, KPI được cải thiện, giải pháp trên đã được Trung tâm kỹ thuật và Phó tổng giám - Tổng Công ty đồng ý triển khai.

Làm việc trong môi trường của Viettel chuyện áp lực công việc là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhận thức đúng từ “áp lực” và đủ bản lĩnh để vượt qua. Đây là điều mà Trà My đã “đúc rút” sau hơn 10 năm gắn bó với Viettet. Với nữ kỹ sư trẻ, nhiệt huyết của những người làm kỹ thuật, khiến chị luôn hết mình vì công việc, vượt qua những khó khăn, thách thức từ công việc vốn được cho là của nam giới.

Trà My chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đã đến với Viettel thì ai cũng tận tâm với công việc, luôn nghĩ làm thế nào để công việc ngày càng tốt hơn, vì mục tiêu của Viettel đặt ra là đem lại lợi ích cho quân đội và đất nước. Thế nên tôi luôn luôn cố gắng để làm sao làm tốt hơn công việc của mình.”

12 năm đồng hành cùng Viettel, Trà My hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của Tập đoàn viễn thông này trong hành trình gây dựng thương hiệu. Cho đến bây giờ nhớ lại thời điểm ban đầu khi mới “đầu quân” cho Viettel chị vẫn không thể quên những kỷ niệm của một thời gian khó: “Thời đầu ở Đà Nẵng (là khu vực 2 bây giờ) mới chỉ có 11 trạm, mọi công việc lớn nhỏ chỉ có 2 người đảm trách. Bây giờ thì khu vực có xấp xỉ 6.000 trạm, đội ngũ nhân viên cũng rất đông. Hồi trước chúng tôi vừa giám sát, khai thác, vừa phải đưa ra ý tưởng, quy hoạch, còn bây giờ có rất nhiều phòng ban, bộ phận đảm nhiệm với từng mảng công việc được vận hành theo quy trình đồng bộ”

Trưởng thành từ gian khó, càng khiến Trà My quyết tâm và nỗ lực hơn. Và những sáng kiến trong công việc chính là những minh chứng rõ nhất cho sự say mê, sáng tạo của nữ kỹ sư trẻ. Không chỉ nổi bật trong hoạt động chuyên môn, Trà My còn thường xuyên tham gia hoạt động đoàn thể, đặc biệt là phong trào văn hóa văn nghệ…

Năm 2015, chị được tin trưởng giao trọng trách Phó phòng Kỹ thuật Khai thác TT Kỹ thuật KV2, trực tiếp quản lý, điều hành mảng di động tại trung tâm với 25 nhân viên. Năm 2016, Nguyễn Vũ Trà My được phong quân hàm thiếu tá. Đây là phần thưởng cao quý mà quân đội, Đảng và Tập đoàn dành cho những đóng góp không mệt mỏi của người nữ kỹ sư trẻ. Trong quý 1-2016, chị là nữ cán bộ duy nhất của VTNet có tên trong danh sách vàng của hoạt động SKYT   .

Và không chỉ được sự tin tưởng từ Đảng ủy, Ban Giám đốc, đối với nhân viên, Trà My còn nhận được sự tin yêu, quý trọng từ những người đồng nghiệp của mình. "Chị My không chỉ là người quản lý trực tiếp, mà còn là người chị, người đồng nghiệp luôn đồng hành trong tất cả nhiệm vụ. Hơn 12 năm làm ở Viettel thì 10 năm đón giao thừa “trực chiến”cùng anh em, Viettel đã thật sự là ngôi nhà thứ 2 của Trà My”- đó là nhận xét của rất nhiều anh em TT Kỹ thuật KV2 khi nói về chị.

Với Trà My, để có được những thành quả trong công việc như hôm nay không thể không nhắc tới điểm tựa là gia đình và đặc biệt là người chồng của chị. “Anh chính là hậu phương chắc, luôn thông cảm và hỗ trợ hết sức cho công việc của tôi”- Trà My chia sẻ. 

Chồng của Trà My công tác tại Ngân hàng đầu tư và phát triển chi nhánh Đà Nẵng. Dù cũng rất vất vả và bận rộn nhưng anh luôn biết cách động viên, chia sẻ với chị trong cuộc sống gia đình. Tổ ấm hạnh phúc với người chồng yêu thương và cô con gái 7 tuổi chăm ngoan, học giỏi, tự lập chính là điểm tựa  giúp Trà My có thể chuyên tâm cho công việc, thậm chí là cả “thức ngày, cày đêm”.                                                                        

Thùy Linh
.
.
.