Nhiều thay đổi trong thực hiện dự án PPP
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, PPP không còn là một khái niệm mới tại Việt Nam.
Nhìn lại thời gian qua, Nghị định số 87/CP ngày 23-11-1993 ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) là cơ sở pháp lý đầu tiên cho PPP tại Việt Nam. Gần đây nhất, Nghị định 15/2015/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 15/2015) chúng ta cũng đã có được nhiều kinh nghiệm trong triển khai PPP.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án PPP trong thời gian Nghị định 15/2015 vẫn có một số nội dung còn vênh so với một số Luật, dẫn đến việc triển khai còn nhiều bất cập.
Nghị định 63/2018 có hiệu lực ngày 19-6 tới sẽ giải quyết được những lúng túng trong việc triển khai dự án PPP. |
Để xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong Nghị định 15/2015, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị định và ngày 4-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018 có hiệu lực 19-6-2018, thay thế Nghị định 15.
Ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP, Cục quản lý đầu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nghị định 63 có rất nhiều điểm mới so với Nghị định 15/2015. Nghị định 63 sắp có hiệu lực, đã được bổ sung lĩnh vực về công viên; nhà, sân bãi để xe ôtô; các vấn đề hạ tầng khu đô thị như điện, đường, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải...
Nghị định 63/2018 cũng bổ sung tên hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa....
Ngoài ra, Nghị định 63/2018 cũng có rất nhiều điểm mới về các loại hợp đồng; cơ chế thanh toán hợp đồng PPP; Quy trình chuẩn bị thực hiện dự án PPP; Phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án; Phần tham gia của khu vực tư...
Đặc biệt, phải được minh bạch các thông tin về dự án (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, thông tin cơ bản trong hợp đồng dự án đã ký kết (là công cụ để tăng cường sự giám sát của cộng đồng, xã hội).
“PPP là quan hệ đối tác giữa Nhà nước và DN cùng đầu tư, cung cấp dịch vụ. Mục đích cuối cùng của dự án PPP là cung cấp dịch vụ hạ tầng, dịch vụ công cho người dân và xã hội. PPP không chỉ có những nước đang còn thiếu hụt nguồn vốn đầu tư như nước ta, mà những nước phát triển như Australia, Singapore, Hàn Quốc... họ rất phát triển nhưng vẫn cần sự tham gia của tư nhân để đảm bảo được cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt hơn trong việc tận dụng năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư”, ông Dũng cho biết.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Thông tư hướng dẫn Nghị định 63/2018; lắng nghe nhiều ý kiến của các ngành, địa phương, DN, hiệp hội. Giải đáp trao đổi, chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp..