Mô hình Tập đoàn kinh tế: Nhiều năm vẫn loay hoay

Thứ Năm, 12/02/2015, 11:12
Theo kết quả báo cáo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tập đoàn kinh tế (TĐKT) ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiến hành nghiên cứu, vừa được công bố ngày 10/2, những năm gần đây, quy mô các TĐKT nhà nước tăng nhanh, chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm doanh nghiệp (DN) lớn nhất nước (15/20 DN lớn nhất Việt Nam).

Các TĐKT nhà nước hầu hết giữ vị trí thống lĩnh những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như khoáng sản, điện, dầu khí,...

Trong khi đó, TĐKT tư nhân những năm gần đây tuy cũng tăng trưởng khá nhanh tài sản và vốn, song vẫn còn rất nhỏ so với TĐKT nhà nước (tổng vốn của 8 TĐKT tư nhân lớn nhất chỉ bằng 15,5% tổng vốn của 8 TĐKT nhà nước).

Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy, TĐKT tư nhân sử dụng vốn chủ sở hữu tốt và dường như đang phát triển biền vững hơn các TĐKT nhà nước.

Đơn cử như tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các TĐKT tư nhân duy trì ổn định khoảng 55%, trong khi tỷ lệ này ở các TĐKT nhà nước tăng nhanh (từ mức 1,92 lần năm 2010, lên 2,7 lần năm 2013).

Ông Bùi Văn Dũng, thành viên nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, hiện môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển để hình thành TĐKT.

Đặc biệt, DN tư nhân bị nhiều rào cản, chưa được bình đẳng với TĐKT nhà nước để tham gia lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, cũng như tiếp cận vốn, đặc biệt vốn ODA.

Theo ông Dũng, TĐKT nhà nước lâu nay quá coi trọng quy mô, hoạt động đa ngành nghề, mà không tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi; vượt quá năng lực tài chính, quản trị…

Kết cục, hiệu quả hoạt động của nhiều TĐKT nhà nước chưa tương xứng với các nguồn lực đang nắm giữ.

Nhiều TĐKT nhà nước tham gia vào lĩnh vực rủi ro (như tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm) gặp khó khăn trong quản lý, giám sát khi thị trường có biến động mạnh.

Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, cần hướng tới việc thành lập TĐKT dựa trên nguyên tắc thị trường, dựa trên nhu cầu nội tại của các DN.

Với TĐKT nhà nước, phải tái cơ cấu hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, vốn; thiết lập và vận hành hệ thống giám sát; nhà nước phải thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu với tư cách một nhà đầu tư; áp dụng nguyên tắc, kỷ luật thị trường với tất cả các tập đoàn…

Bình luận về báo cáo của nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: Nước ta nói tới TĐKT rất nhiều nhưng lại là nơi có ít tập đoàn nhất.

Trong khi, các nước như Mỹ, Đức, Anh… không hề có quy định về TĐKT, họ lại có rất nhiều tập đoàn quy mô toàn cầu.

Theo ông Cung, nhà nước đang cùng lúc làm 3 vai trò (xây dựng chính sách, chủ sở hữu DN và giám sát). Do đó, các bộ làm chính sách cũng là làm cho mình, thường chỉ giám sát người khác, còn mình thì không.

Cũng theo ông Cung, cách duy nhất để khắc phục tình trạng trên là tự do hóa thị trường càng nhiều càng tốt. Đồng thời, thiết lập thể chế giám sát, cân bằng quyền lực người đại diện vốn nhà nước để họ trung thành vì lợi ích nhà nước.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách đổi mới DN nhà nước đánh giá, dù đã hơn 10 năm thành lập TĐKT nhưng chúng ta vẫn loay hoay với nó.

Theo ông Cường: “Không nên hô hào phát triển TĐKT, rồi trao đặc quyền, đặc lợi để khuyến khích. Nên để thị trường tự vận động, khi các DN phát triển tới mức đủ lớn sẽ thành tập đoàn. Nhà nước chỉ đứng ngoài kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro tới nền kinh tế do các tập đoàn tạo ra, chống độc quyền”.

Thanh Hiệp
.
.
.