Nhiệt điện than cởi bỏ nút thắt về ô nhiễm môi trường
Mở cửa để người dân giám sát
Bắt đầu từ ngày 10-11, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) chính thức để người dân địa phương vào thăm và giám sát các hoạt động xử lý môi trường của nhà máy. Đoàn giám sát 25 người đầu tiên gồm Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, cùng các đoàn thể và đại diện nhân dân các thôn Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Tiến quanh nhà máy đã vào giám sát công tác vận hành của nhà máy.
Đoàn giám sát đã vào tìm hiểu thực tế tại văn phòng cảng than, khu vực cảng tiếp nhận than, cảng tiếp nhận dầu, đường kênh dẫn nước làm mát, khu vực gian máy, phòng điều khiển trung tâm, theo dõi các thông số môi trường hiển thị liên tục của nhà máy và thực tế tại bãi thải xỉ.
Sau khi tham quan, bà Trần Thị Minh Hà, đại diện cho người dân thôn Vĩnh Tiến đã đề nghị nhà máy cần thường xuyên tổ chức cho người dân vào kiểm tra, bởi không phải riêng bà mà còn nhiều bà con khác trong thôn muốn tận mắt chứng kiến quá trình xử lý môi trường, để yên tâm hơn khi sinh sống và sản xuất tại đây.
Đoàn giám sát của chính quyền và nhân dân địa phương tham quan cảng than của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. |
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân thì đặt dấu hỏi về việc bao giờ sẽ khắc phục được hiện tượng khói đen khi khởi động máy. Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân khẳng định, nhà máy đang tiến hành cải tiến hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiện đại và sẽ đưa vào vận hành ngay từ khi khởi động máy (sau khi đợt trung tu kết thúc vào tháng 12-2016), chấm dứt việc xả ra khói đen.
Trao đổi với PV, ông Thiên Thanh Sơn – Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân bày tỏ: Với tổng công suất 4 nhà máy là 6200 MW - Vĩnh Tân là trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thời điểm xảy ra sự cố, đất nước có khó khăn về điện, nên dù một số hạng mục chưa hoàn thành, đã phải đưa nhà máy vào vận hành.
Do đường nội bộ chưa có, xe chở thải xỉ đã băng qua quốc lộ 1, lấn đường dân đi, làm rơi vãi xỉ thải, và đặc biệt sự cố khói bụi bốc lên do gió lốc vào ngày 14, 15-4-2015, khiến người dân bức xúc. “Khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, lúc cao điểm nhất phải thuê thêm 200 - 300 người dân địa phương đi tưới nước để giảm bụi.
Thấy thái độ tích cực khắc phục sự cố, người dân cũng cảm thông với nhà máy, dần dần tin tưởng hơn. Tại bãi xỉ, chúng tôi cũng lắp 12 camera, không nhiều tiền, nhưng chính quyền địa phương và nhân dân có thể quan sát bãi thải xỉ bất cứ lúc nào, nên nhân dân rất tin tưởng” - ông Sơn cho biết.
Đã hết bức xúc, nhưng vẫn còn lo lắng
Trao đổi với các PV trong chuyến thực tế công tác khắc phục môi trường của Nhiệt điện Vĩnh Tân, ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết: Thời gian gần đây, Chính phủ rất quan tâm, đầu tư cho Tuy Phong 4 nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Đây là lần đầu tiên Tuy Phong nói riêng và Bình Thuận nói chung có nhà máy lớn như thế.
“Sau sự cố đó, Chính phủ, các bộ ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt, việc khắc phục ô nhiễm môi trường và quản lý xỉ rất chặt chẽ. Sự quản lý này qua 3 khâu: nhà máy đã hoàn chỉnh các đánh giá tác động môi trường, căn cứ vào đó, tỉnh Bình Thuận cũng rút kinh nghiệm ban hành các quy chế hiệp đồng, giám sát chặt chẽ đối với nhiệt điện. Đây cũng là nền tảng để tiếp tục quản lý các nhà máy tiếp theo.
Huyện rất quan tâm sử dụng đoàn thể, hệ thống chính trị ở địa phương, phát huy hiệu quả rất tốt. Nhà nước không giám sát chặt bằng dân, vì nhiều gia đình có con cái làm việc trong nhà máy, họ nắm rất rõ tình hình” - ông Trực khẳng định. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo địa phương cũng đánh giá “Tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên nhà máy đã được cải thiện rất rõ. Anh em nhận thấy là nếu mình làm không tốt thì sẽ dẫn đến sự bất bình của nhân dân, mà nếu nhân dân bất bình thì không thể hoạt động được”.
Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về việc “đã yên tâm bao nhiêu % về đảm bảo môi trường của nhà máy”, ông Nguyễn Trung Trực cho biết: “Chúng tôi đã yên tâm khoảng 80%, 20% còn lại chính là xử lý xỉ than - nỗi lo lắng nhất của địa phương bây giờ. Lượng xỉ than càng ngày càng nhiều, nơi dự trữ càng ngày càng nhỏ lại, nếu cứ kéo dài, chắc chắn nguy cơ sẽ có. Cái lo lắng của địa phương, và tâm tư nguyện vọng của người dân là tro xỉ sẽ được tiêu thụ triệt để”.
Tiêu thụ xỉ than không chỉ là nỗi lo của riêng Bình Thuận, mà là băn khoăn chung của các địa phương có nhà máy nhiệt điện. Ông Thiên Thanh Sơn cho biết, hiện đã ký hợp đồng tiêu thụ với Nhà máy gạch không nung Vạn Gia, tuy nhiên số lượng chưa được lớn. Mới đây, nhà máy đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Mãi Xanh, bao tiêu toàn bộ xỉ than trọn đời 28 năm của dự án.
Dự kiến, ngày 1-1-2017 công ty sẽ triển khai. Tuy nhiên, do đây mới là hợp đồng nguyên tắc, vẫn còn những vấn đề trong các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xỉ than và nhận thức của người dân về sử dụng gạch không nung để có đầu ra thực sự cho sản phẩm này.