Nhà máy đạm Ninh Bình gặp rất nhiều khó khăn

Thứ Bảy, 15/06/2019, 09:52
Nhà máy đạm Ninh Bình đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh, do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần” sau mỗi chu kỳ sản xuất.

Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, Bộ Công Thương cho biết, các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong đó có Nhà máy đạm Ninh Bình đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh, do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần” sau mỗi chu kỳ sản xuất.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, trong quý I-2019, tổng sản lượng của nhà máy đạt 115.950 tấn ure và 775 tấn NH3; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 76.800 tấn urê và 775 tấn NH3; lỗ 135,8 tỷ đồng, giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. 

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem cho rằng, trong các dự án của Vinachem, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình là căng thẳng nhất. 3 tháng đầu năm nay, Dự án hoạt động bình thường nhưng thời gian chạy lại so với tổng thời gian nhà máy nghỉ rất dài, dẫn đến chi phí tài chính quá lớn. Nhà máy đạm Ninh Bình hiện là dự án không ngân hàng nào cho vay, chủ yếu hoạt động theo phương thức khách hàng ứng tiền, sau đó tiền đó được đem đi mua than để chạy. 

“Vốn Vinachem đầu tư cho dự án này khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của Vinachem chỉ có 13.000 tỷ đồng. Hiện tại, tất cả các hợp đồng tín dụng Vinachem vay đầu tư cho dự án này, Vinachem đang phải trả. Tình trạng này kéo dài không chỉ kéo sập Nhà máy đạm Ninh Bình, mà còn kéo sập cả Vinachem. Trước mắt cần cho khoanh nợ, có giải pháp về hợp đồng vay với một số ngân hàng”, ông Cường cho hay.

Nhà máy đạm Ninh Bình là dự án còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề tranh chấp Hợp đồng tổng thầu (EPC) chưa xử lý được.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ở thời điểm hiện tại, Nhà máy đạm Ninh Bình là dự án còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề tranh chấp Hợp đồng tổng thầu (EPC) chưa xử lý được, do vậy chưa quyết toán được Dự án. 

Ngoài ra, Nhà máy đạm Ninh Bình còn đối mặt với khó khăn về dòng tiền nên chưa đáp ứng được chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng và mua vật tư dự phòng, dẫn đến hệ thống thiết bị còn nhiều sự cố phải dừng máy dài ngày để sửa chữa, giảm sản lượng sản xuất và cơ hội bán hàng. 

Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế doanh nghiệp khó khăn, nhiều cán bộ công nhân đã chuyển công tác dẫn tới Nhà máy cũng còn thiếu cán bộ công nhân lành nghề. Tình trạng này kéo dài sẽ khó bảo đảm mục tiêu xử lý dứt điểm dự án, vận hành ổn định và có hiệu quả nhà máy rồi cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020 như đã đề ra tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29-9-2017 Phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình là dự án nặng nhất, đáng lo nhất hiện nay. Trong đề án đã có hết các phương án xử lý, Vinachem dựa trên cơ sở các phương án, tính toán lại xem phương án nào có lợi nhất thì làm, giải quyết dứt điểm.

Trong báo cáo Chính phủ vừa gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký, nêu rõ: Sẽ tập trung xử lý dứt điểm vấn đề tranh chấp Hợp đồng EPC để có thể quyết toán Hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ Dự án. 

Trong trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử, xác định trách nhiệm cụ thể của các bên; đồng thời thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm để để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài sản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra. 

Theo Chính phủ, trên cơ sở kết luận của cơ quan trọng tài về tranh chấp Hợp đồng EPC và trách nhiệm các bên trong Hợp đồng EPC, kết luận của Cơ quan điều tra xét xử về vi phạm và trách nhiệm về thiệt hại do vi phạm gây ra của tổ chức, cá nhân có liên quan trong Dự án, để từ đó xác định lại giá trị tài sản Dự án và tiến hành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi Dự án.

Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 2 năm triển khai xử lý 12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, tình hình ở các dự án được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng khó khăn vướng mắc còn lại cũng rất lớn. 

Tới nay, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động kinh doanh bước đầu có lãi, một nhà máy đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ là Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng; 4 dự án còn lại tiếp tục hoạt động và tiếp tục giảm dần lỗ. 

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động lại nhà máy. 

Một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng được tập trung xử lý có hiệu quả như ở Dự án Nhà máy thép Việt Trung, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ... Dự kiến đến năm 2020 sẽ xử lý được dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm này theo yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lưu Hiệp
.
.
.