Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than

Thứ Ba, 27/06/2017, 08:35
Nhiệt điện than vẫn đang là xu hướng được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam cần nguồn điện năng lớn phục vụ cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiệt điện than cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nếu không kiểm soát được khí thải, tro bụi… đặc biệt là với những nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu.


Ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, nhiệt điện than hiện cung cấp khoảng 35% tổng sản lượng điện và có chiều hướng tăng nhanh trong giai đoạn tới. Theo quy hoạch điện VII, nhiệt điện sẽ chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất vào năm 2030. 

Hiện cả nước có 64 dự án nhiệt điện than, trong đó có 26 dự án đã vận hành, 15 dự án đang triển khai, 13 dự án đã xác định chủ đầu tư, 10 dự án đang tìm chủ đầu tư. Tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động vào khoảng 14.675MW, tiêu thụ lượng nhiên liệu 40 triệu tấn than/năm và xả lượng xỉ thải khoảng 15,8 triệu tấn/năm. 

Đến năm 2030, với việc đưa vào hoạt động thêm nhiều nhà máy nhiệt điện khác, tổng công suất sẽ tăng lên 55.300MW và tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than/năm. Hầu hết các nhà máy này đều sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với nguồn nhiên liệu là than nội địa.

Nhiều nhà máy nhiệt điện đang đối mặt nguy cơ gây ô nhiễm. Ảnh minh họa: CTV

Trong thời gian qua, mặc dù các nhà máy nhiệt điện đã cải thiện công nghệ để đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, song qua thanh tra đối với 19 nhà máy nhiệt điện, Tổng cục Môi trường đã phát hiện nhiều nơi vi phạm, thậm chí một số nhà máy còn để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc. Điển hình như, nhà máy Vĩnh Tân, Duyên Hải đã phát sinh sự cố môi trường trong quá trình hiệu chỉnh thiết bị, vận hành thử nghiệm. 

Theo ông Tài, các nhà máy nhiệt điện than đều đối mặt với 3 vấn đề chính về môi trường là khí thải – bụi, chất thải rắn và nước làm mát. Trong các nhà máy này, dù đã có thiết bị lọc bụi tĩnh điện song vẫn phát sinh lượng khói bụi lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Các bãi xỉ thải cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt. 

“Kiểm soát bụi, đặc biệt là tro bay là vấn đề không đơn giản. Các nhà máy nhiệt điện phải đảm bảo hiệu suất 99% mới có thể đưa hàm lượng bụi từ 4.900mg xuống 2.200mg. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng một số nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài. Công nghệ này giúp sử dụng hiệu quả nhiên liệu, giảm phát thải khí, tro bụi” – ông Tài nói.

Bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng gia tăng, nguyên nhân một phần cũng xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than. Mặc dù quy mô dân số, số lượng phương tiện giao thông ít hơn song mức độ ô nhiễm không khí của Thủ đô lại cao gấp đôi TP Hồ Chí Minh. Chỉ trong năm 2016, Hà Nội đã có 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các chỉ số bụi PM10 và PM2,5 đều vượt ngưỡng trung bình năm. 

"Thủ đô Hà Nội bị bủa vây bởi khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc. Phần lớn các nhà máy này mới chỉ có thiết bị xử lí bụi, một số có khả năng xử lí SO2, chưa có nhà máy nào có thiết bị xử lí Nox. Quan sát trên ảnh vệ tinh, chúng tôi thấy rằng, trong năm 2016, có một số thời điểm, nồng độ bụi PM2,5 rất cao (được coi là ô nhiễm không khí nghiêm trọng) thì hướng gió chủ yếu là từ phía Đông của Hà Nội, cụ thể là từ phía Châu Giang (Trung Quốc). Khi di chuyển tới các khu công nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng, nồng độ chất ô nhiễm cao hơn và di chuyển về Hà Nội. Vào mùa đông, theo gió mùa đông bắc, bụi từ phía Bắc có thể di chuyển xuống Thủ đô làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Dù các nhà máy nhiệt điện cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa” – bà Khanh nói. 

Vị chuyên gia này cho biết thêm, môi trường không khí có xu thế ô nhiễm cao vào mùa đông và mùa xuân, trong khi mùa hè và mùa thu lại tốt hơn. Điều này phụ thuộc vào hướng gió, vốn có tác động rất lớn trong việc khuếch tán khói bụi trong không khí.

Nhiệt điện than vẫn là xu hướng chính trong tương lai. Ảnh minh  họa

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là trong bối cảnh thuỷ điện đã phát triển gần hết và dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã huỷ bỏ. Để đảm bảo môi trường, yếu tố công nghệ đóng vai trò cốt lõi. 

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công thương tiến hành đánh giá công nghệ đối với các nhà máy đang hoạt động, trong trường hợp công nghệ lạc hậu thì phải cải tiến. Đối với các dự án mới, các Bộ sẽ thẩm định công nghệ trước khi tham mưu trình Chính phủ cho phép đầu tư. 

"Nguyên tắc chung là sẽ ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các dự án này cần có phương án tái chế xỉ thải thành vật liệu san lấp, thay thế vật liệu xây dựng" -  người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường nói. 

Trong khi đó, ông Tài cho rằng, cần có đánh giá đầy đủ về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện hiện nay; có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp; cải tạo, nâng cấp các nhà máy có công nghệ lạc hậu; lắp đặt thiết bị xử lý khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Để giảm dần nhiệt điện, cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...

Nhiệt điện than vẫn là xu hướng chính trong tương lai. Ảnh minh  họa
Khánh Vy
.
.
.