Người tiêu dùng hưởng lợi từ cái “bắt tay” của những doanh nghiệp lớn

Thứ Bảy, 15/09/2018, 09:12
Cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng không tiền mặt mở ra thách thức mới cho ngành ngân hàng. Nhiều “ông lớn” hợp tác với nhau để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng.

Nghiên cứu, tích hợp nhiều lợi ích trong một chiếc thẻ thanh toán, các doanh nghiệp này đã mang lại cho người dùng sự tiện lợi, an toàn khi không phải mang theo tiền mặt, hoặc mang theo nhiều loại thẻ mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Thị trường nhiều thách thức

Cuộc cách mạng 4.0 đang bước vào giai đoạn bùng nổ khi hầu hết quốc gia đều chạy đua về công nghệ. Kéo theo đó là sự phát triển không ngừng của mạng Internet, thiết bị di động và các ứng dụng mới. 

VinD MB Visa tích hợp nhiều tính năng mới thu hút người dùng.

Tổng kết thị trường thẻ Việt Nam năm 2017 cho thấy cơ cấu về tỷ trọng doanh số sử dụng của thẻ quốc tế tăng từ 11% năm 2016 lên 13% năm 2017. Thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt (tỷ trọng này ở mức cao khoảng 94%). 

Điều này xuất phát từ thói quen “tiền trao cháo múc”, vốn gắn bó với người Việt từ lâu. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập và phát triển, Việt Nam cũng không bỏ ngoài mục tiêu “không tiền mặt” khi đặt ra tỷ lệ sử dụng tiền mặt đến năm 2020 còn dưới 10%. 

Với đặc thù dân số trẻ, bộ phận thích ứng nhanh và sẵn sàng thử những điều mới, sẽ góp phần rút ngắn con đường đến đích đã đặt ra.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,45 % vào tháng 8-2017. 

Thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) cho thấy thị trường thẻ nội địa Việt Nam năm 2017 giảm tốc độ tăng trưởng từ 22% năm 2016 xuống mức 12%, nhưng doanh số sử dụng thẻ quốc tế lại tiếp tục cho thấy mức tăng trưởng khá cao - đạt 30%. Con số này đồng thời phản ánh khả năng thích ứng và hội nhập của người Việt.

Liên kết để tăng tốc

Bối cảnh xã hội hiện đại hình thành thêm nhiều nhu cầu mới buộc các doanh nghiệp phải chạy đua để đáp ứng. Điển hình như Tập đoàn Vingroup đã bắt tay cùng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để tạo ra thẻ VinID MB Visa, tích hợp giữa tính năng thanh toán của thẻ tín dụng quốc tế Visa của MB và thẻ khách hàng thân thiết VinID. 

Động thái này được xem như bước chạy tăng tốc trong cuộc chiến thương mại của thời đại công nghệ. Loại thẻ mới ra đời như lấp đầy những lỗ hổng khi mang đầy đủ đặc điểm và tiện ích nổi bật của 2 loại thẻ trước đó. 

Với tính năng của thẻ VinID, người dùng có thể tích, tiêu và nạp điểm để mua sắm các sản phẩm và dịch vụ của tập đoàn này nhanh chóng hơn. Khách hàng được chiết khấu trực tiếp hoặc tích điểm vào thẻ với số điểm tích theo tỷ lệ, tương ứng khi mua sắm tại điểm bán lẻ của Vingroup hoặc gian hàng của các thương hiệu đối tác.

Còn với tính năng thanh toán của thẻ tín dụng quốc tế MB Visa, người dùng có thể mua sắm các sản phẩm, dịch vụ tại tất cả các điểm chấp nhận thanh toán của Visa trong và ngoài nước, với hạn mức tín dụng tuần hoàn, giá trị tối đa là 1 tỷ đồng. Khách hàng được chi tiêu cho các khoản mua sắm trước, trả sau với tối đa 45 ngày tín dụng không lãi suất.

Khi tích hợp hai tính năng vào một, khách hàng có thể thanh toán các khoản chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay khi tiền mặt ngày càng bị thay thế bởi hình thức khác. 

Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền mặt vốn cồng kềnh và tiềm tàng nhiều rủi ro. Do đó, việc người dùng VinID MB VISA chỉ cần mang theo duy nhất một chiếc thẻ gọn nhẹ, tích hợp nhiều tính năng sẽ giúp các vấn đề về thanh toán, bảo mật được giải quyết triệt để. 

Cùng với đó, tỷ lệ tích điểm VinID khi dùng thẻ VinID MB Visa đối với khách hàng sử dụng thẻ liên kết đều được cộng 0,2%. Chủ thẻ cũng được hưởng tất cả các ưu đãi đến từ Vingroup, MB, Visa trong từng thời kỳ.

Có thể nói, trong xã hội phát triển theo xu hướng không tiền mặt như hiện nay, công nghệ được đầu tư mạnh, việc liên kết giữa Tập đoàn Vingroup và MB đã mở ra bức tranh thị trường mới, hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người dùng.

Minh Phương
.
.
.