Ngân hàng số: Cần một hành lang pháp lý phù hợp

Thứ Tư, 20/12/2017, 09:54
Sáng 19-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam”. Với sự có mặt của nhiều “ông lớn” thanh toán điện tử trên thế giới vào Việt Nam trong thời gian qua, người dùng có những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, nhanh chóng và thuận lợi.


Tuy nhiên, đây là những thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng Việt Nam, nên để hội nhập, các ngân hàng phải tự vận động.

Người Việt chưa có thói quen dùng ngân hàng số

Trên thế giới, khái niệm ngân hàng số đã phổ biến với nhiều chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực này, xoay quanh các khái niệm ngân hàng 3.0, digital bank, digital transformation. 

Mặc dù đã xuất hiện trên thế giới từ năm 2010, tuy nhiên, ngân hàng số là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và làn sóng số hóa phát triển mạnh mẽ, ngân hàng số có nhiều tiềm năng sẽ trở thành mô hình kinh doanh chủ đạo của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam trong tương lai.

Ngân hàng số giúp tiếp cận dịch vụ tài chính với tốc độ nhanh.

Theo thống kê, Việt Nam có 47,3 triệu người dùng internet (chiếm 50% dân số), có 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (29 triệu người sử dụng mobile) có 143 triệu điện thoại (chiếm 152% dân số). Người trưởng thành: 55% sử dụng smartphone, 46% có máy tính, 12% có máy tính bảng. 

Đánh giá của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015 cho thấy, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Tỷ lệ khách hàng của các hệ thống NHTM tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile, internet banking chiếm khoảng 44%.

Như vậy, có thể thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển ngân hàng số. Chính vì vậy, nền tảng khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của ngân hàng số sẽ rất quan trọng. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, khi Vietcombank phát triển ngân hàng số (Vietcombank Digital Lab) thì cái khó thứ nhất là Việt Nam chưa có một mô hình nào để tham khảo, ngân hàng chỉ thông qua tư vấn, mà tư vấn mỗi nơi một khác. Thứ hai là trang thiết bị, công nghệ chưa theo kịp. 

“Yêu cầu của chúng tôi đặt ra là làm sao có thể nhận diện được khuôn mặt (face ID) một cách chính xác, nhưng không hãng công nghệ nào cam kết được. Hệ thống trợ lý, tương tác với nhân viên ngân hàng từ xa không đáp ứng yêu cầu Vietcombank. Và cuối cùng là thói quen của khách hàng. Khách hàng ai cũng muốn đến ngân hàng gặp giao dịch viên để được tư vấn hơn là đối diện với một cái máy” – ông Tuấn nói và cho biết hiện nay việc số hóa ngân hàng mới tập trung vào các khâu chuyển tiền, thanh toán… Nếu số lượng, chất lượng các dịch vụ không được bổ sung, nâng lên thì sẽ rất khó thay đổi.

Hành lang pháp lý chưa theo kịp

Giới chuyên gia cho rằng, hiện hành lang pháp lý còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hoá dịch vụ. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết. 

“Cơ quan quản lý cần sớm ban hành Luật thanh toán vì hiện nay Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ điều tiết hoạt động của các TCTD, trong khi hoạt động thanh toán hiện nay không chỉ có riêng TCTD làm mà rất nhiều đơn vị tham gia vào công đoạn này, kể cả các công ty fintech và đơn vị thanh toán khác”, ông Tuấn đề nghị.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thuỳ Dương (Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam) cho rằng cần tạo ra hành lang pháp lý để các ngân hàng dễ dàng hơn mở rộng dịch vụ ngân hàng số, giúp tiết kiện chi phí cho các ngân hàng và quốc gia. 

Bà Dương cho rằng, trên thế giới, nhiều nước cũng trải qua quá trình thay đổi để tạo bước tiến tốt về hành lang pháp lý cho ngân hàng số. Tuy nhiên, hiện nay nhờ sự phát triển công nghệ 4.0 nhiều nước đang ứng dụng nhận diện khuôn mặt, vân tay. 

“Tại Việt Nam dự kiến đến năm 2019 thẻ căn cước công dân điện tử sẽ được mở và các ngân hàng có thể dễ dàng sử dụng. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngân hàng số phát triển”, bà Dương nói.

Đại diện lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh thừa nhận giao dịch tài chính trên mạng sẽ giúp nhiều người tiếp cận dịch vụ tài chính với tốc độ nhanh hơn nhiều mô hình tài chính truyền thống, song khi sử dụng công nghệ, khoa học vào dịch vụ tài chính ngân hàng luôn đối diện với các rủi ro trong quá trình sử dụng như rủi ro dừng hoạt động hệ thống, mất tiền do lộ, lọt mất khẩu, thách thức cơ quan quản lý về kiểm soát hệ thống, phòng chống rửa tiền. 

Bởi vậy, cần lấp khoảng trống về mặt pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; phòng chống gian lận trong kinh doanh...

Lệ Thúy
.
.
.