Ngân hàng dẫn đầu trong thanh toán quốc tế

Thứ Tư, 01/03/2017, 09:51
Với những nỗ lực của cả hệ thống Agribank trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế (TTQT) cho khách hàng như: thanh toán bằng thư tín dụng, thanh toán nhờ thu, chuyển tiền… phục vụ cho các mục đích kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa hay đáp ứng nhu cầu cá nhân như du học, du lịch, khám chữa bệnh… ở nước ngoài. 


Tính đến 31-12-2016, hoạt động TTQT của Agribank đã có dấu hiệu khởi sắc và phục hồi, doanh số TTQT năm 2016 đạt 10,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015; thu phí TTQT đạt 254,8 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015.

Ngoài ra, chất lượng hoạt động TTQT của Agribank cũng vẫn được duy trì khi trong năm 2016, Agribank đã liên tiếp được các ngân hàng nước ngoài lớn, có uy tín trên toàn thế giới như Wells Fargo, Bank of New York Mellon, Standard Charter Bank, JP Morgan Chase tặng thưởng về chất lượng điện chuẩn cao.

Đây chính là một sự công nhận khách quan về chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế của Agribank, cũng như thể hiện sự tin tưởng của khách hàng và các đối tác lớn đối với Agribank.

Agribank sẽ nỗ lực, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước.

Để có được những thành công trên, Agribank đã chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ TTQT bằng việc triển khai chính thức dịch vụ chuyển tiền đa tệ trong hệ thống; điều chỉnh hạn mức giao dịch hối đoái trên hệ thống Realtime; tiếp tục khai thác các lợi ích của sản phẩm UPAS L/C, bổ sung tính năng mới thông qua triển khai thỏa thuận “Tài trợ thương mại thông qua nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng” với Wells Fargo. 

Đến nay, Agribank được đánh giá là một trong những ngân hàng sử dụng sản phẩm UPAS L/C hiệu quả. Năm 2016, Agribank đã mở 70 món UPAS L/C, trị giá 14,8 triệu USD, tăng mạnh về số món so với năm 2015. Tích cực làm việc với các ngân hàng nước ngoài để phát triển sản phẩm mới và bổ sung các tính năng mới của sản phẩm TTQT hiện có như: Ngân hàng Wells Fargo (Trade Flatform, UPAS L/C), BNY Mellon (Chuyển tiền đa tệ), ICBC, Maybank, CTBC, JP Morgan (UPAS L/C),…

Khẳng định vị thế trên thị trường thế giới

Từng bước thực hiện định hướng của Agribank trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác tại thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, trong năm 2016, Agribank đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện có ý nghĩa trong nước và quốc tế, như: ký kết Biên bản ghi nhớ với ICBC trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc-ASEAN; tổ chức chương trình đào tạo cho cán bộ Nonghyup Bank; tham dự kỳ họp 13 Tổ công tác liên chính phủ Việt Nga;… 
Agribank tiếp tục ghi dấu ấn là thành viên tích cực trong quan hệ hợp tác đa phương thông qua các diễn đàn quốc tế lớn như: Hội nghị thường niên ADB tại Đức, Hội nghị thường niên SIBOS tại Thụy Sỹ, Hội nghị Đại hội đồng APRACA tại Nepal v.v.. 

Chỉ tính đến ngày 31-12-2016, Agribank đã ký kết 104 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với đối tác nước ngoài, trong đó có 40 thỏa thuận chung, 13 thỏa thuận TTTM, 36 thỏa thuận cung cấp sản phẩm dịch vụ, 15 thỏa thuận chia sẻ phí, tạo cơ sở khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường tiềm năng và khung pháp lý cho việc hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng hoàn thiện Đề án Phát triển quan hệ đối tác chiến lược tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo đại diện Agribank, từ những kết quả đã đạt được trong năm 2016, năm 2017, Agribank sẽ nỗ lực, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Chủ động xây dựng các chương trình, dự án để vận động, thu hút nguồn vốn tài trợ của nước ngoài; duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với các bộ, ngành chuyên quản để tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác, tạo cơ hội tiếp cận, thực hiện triển khai dự án đối với các bộ ngành và các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế. 

Có giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống đi kèm với kiểm soát và quản trị rủi ro; nâng cao chất lượng thẩm định, cho vay, đặc biệt là cho vay tài trợ dự án. Để tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh đối ngoại nói riêng, Agribank sẽ chủ động xây dựng các gói sản phẩm dịch vụ đồng bộ dành cho từng đối tượng khách hàng; ban hành cơ chế chính sách khách hàng rõ ràng với tiêu chí phân loại khách hàng và cơ chế cấp tín dụng, ưu đãi phí, lãi suất với từng đối tượng khách hàng riêng biệt; xây dựng chính sách lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn linh hoạt theo từng vùng miền và từng thời kỳ nhằm tạo điều kiện cho chi nhánh tăng trưởng cho vay ngoại tệ, từ đó tăng doanh số TTQT.

Trung Kiên
.
.
.