Liên quan đến việc tăng giá điện:

Báo lỗ 16 ngàn tỷ, đòi tăng giá điện, EVN chưa quan tâm lợi ích của người tiêu dùng

Thứ Năm, 12/02/2015, 09:20
Liên quan đến chính sách năng lượng, đặc biệt là về đề xuất tăng giá sẽ được xem xét sau Tết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng khoản lỗ 16.000 tỷ đồng trong năm 2014 của Tập đoàn này, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Vấn đề không phải tăng giá điện bao nhiêu, mà nằm ở chỗ cách thức họ muốn tăng giá.

“Thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, “Đáng lý, Bộ phải giám sát EVN độc quyền bằng cách rà soát, đánh giá chi phí sản xuất một cách độc lập, tham vấn các bên liên quan xem đề xuất của EVN có hợp lý không, chứ không phải bảo vệ đề xuất này” - TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Ông Cung còn nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cân bằng các bên để kiểm soát giá điện, bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, chứ không thể bảo vệ lợi ích của EVN; không thể có những tuyên bố kiểu không tăng giá điện thì EVN sẽ phá sản, bởi biết đâu “EVN phá sản thì ngành Điện mới phát triển được”.

Về công khai, minh bạch trong hoạt động điều hành, từ năm ngoái, Bộ Công Thương thậm chí có cả một trang thông tin (hiếm khi hoạt động) đăng tải các chính sách về điện. Hằng năm, Bộ cũng đều có họp báo công bố giá thành điện của năm trước đó.

Giá thành này đã được kiểm toán và được giám sát bởi các bên, bao gồm cả Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng.

Tất nhiên, việc làm này cũng chỉ mang tính hình thức, bởi theo ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch Hội, người trực tiếp tham gia vào hoạt động này, thì giám sát bao gồm đến làm việc ở các nhà máy mà EVN chỉ định, sắp xếp và trên các giấy tờ, sổ sách được EVN cung cấp.

Chưa kể đến, Hội không có chuyên môn sâu để hiểu được những vấn đề đặc thù như các chi phí giá và cách quản lý điện.

Các chuyên gia không đánh giá cao cách thức quản lý giá điện hiện nay.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, về trung hạn, cần sớm tách riêng EVN thành nhiều phần: phát điện, phân phối, truyền tải…, trong đó Nhà nước chỉ giữ độc quyền truyền tải điện, còn các phần khác thì để các thành phần kinh tế khác tham gia.

Lúc đó mới có nhiều nhà đầu tư vào sản xuất điện và mới có thị trường điện cạnh tranh. “Cần thay đổi cách thức, công cụ quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường”.

Một khó khăn khác trong quản lý điện chính là việc thiếu rõ ràng giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích.

EVN vừa phải nhận trách nhiệm đầu tư, xây dựng mới các nhà máy, đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai, vừa phải kinh doanh, ôm đồm thêm cả việc tiếp nhận và cải tạo lưới điện nông thôn, thực hiện các dự án cấp điện cho hải đảo, vùng sâu, vùng xa... dù chắc chắn lỗ lớn. Điều này khiến lỗ lãi của EVN khó bóc tách cho rõ ràng.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cần cải cách doanh nghiệp Nhà nước để khắc phục các méo mó thị trường tạo ra bởi chính các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Bên cạnh đó là cải cách thể chế, tạo ra một thị trường lành mạnh, có cạnh tranh sòng phẳng.

Theo ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chúng ta đang tiến hành rất chậm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Quan trọng nhất là cải cách thể chế, tạo ra một thể chế thị trường, cạnh tranh mới. Mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường phải thấp, vì can thiệp mạnh sẽ không có thị trường.

“Cách quản lý giá hiện nay không hiệu quả. Quản lý kiểu hiện nay sẽ vô phương. Bộ máy, chi phí kiểm soát giá hiện tại lớn hơn nhiều cái chúng ta thu được”.

Nam Phương
.
.
.