Loay hoay chính sách quản lý hàng tạm nhập, tái xuất

Thứ Bảy, 28/02/2015, 08:50
Chưa giải quyết xong vấn đề hàng hoá miễn thuế cho cư dân biên giới thì chính sách cho hàng hoá tạm nhập tái xuất cũng đang khiến cơ quan chức năng đau đầu. Nới lỏng thì lo ngại hàng thẩm lậu, phần nhiều trong số đó là hàng độc hại; mà xiết chặt thì doanh nghiệp kêu, địa phương kêu.

Sự mâu thuẫn giữa việc chống buôn lậu và giải quyết công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương khiến nhiều năm nay chính sách thương mại biên giới của Việt Nam gặp nhiều lúng túng.

Chưa giải quyết xong vấn đề hàng hoá miễn thuế cho cư dân biên giới thì chính sách cho hàng hoá tạm nhập tái xuất cũng đang khiến cơ quan chức năng đau đầu. Nới lỏng thì lo ngại hàng thẩm lậu, phần nhiều trong số đó là hàng độc hại; mà xiết chặt thì doanh nghiệp kêu, địa phương kêu.

Việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất khiến các cơ quan quản lý loay hoay từ vài năm nay.

Sau cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tỉnh Quảng Ninh hồi đầu tháng 2 này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất (TNTX), báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 năm nay.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 05, trong đó cho phép các doanh nghiệp được thực hiện tạm nhập hàng hóa qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan để tái xuất và bổ sung mặt hàng là quần áo đã qua sử dụng và vải vụn loại ra trong quá trình sản xuất được phép tiếp tục kinh doanh TNTX, chuyển khẩu như trước đây; đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương phân cấp cho tỉnh được cấp phép đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện do Bộ Công Thương và các bộ, ngành quản lý chuyên ngành cấp.

Quảng Ninh cũng kiến nghị các bộ, ngành trước khi ban hành chính sách cần tham vấn các địa phương và căn cứ vào thực tế để không gây ra những bất cập, vừa đi vào thực tế đã phải sửa đổi.

Nguyên nhân của kiến nghị này là do hoạt động TNTX, chuyển khẩu, kho ngoại quan trên địa bàn Quảng Ninh những năm gần đây có sự suy giảm đáng kể, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực Móng Cái. Đây là hệ quả của việc Chính phủ ra các chính sách thắt chặt hoạt động này, từ Chỉ thị 23/2012 đến Thông tư 05/2014 của Bộ Công Thương.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương thì sau 8 tháng đầu năm 2014, tức là 3 tháng sau khi Thông tư 05 có hiệu lực, tổng giá trị hàng hoá TNTX của Quảng Ninh là 2,4 tỷ USD, bằng 70,3% cùng kỳ; Lạng Sơn là 260 triệu USD, bằng 83% cùng kỳ; Cao Bằng khoảng trên 370 triệu USD, bằng 71,7% cùng kỳ; Lào Cai khoảng 165 triệu USD, bằng 50% cùng kỳ.

Tương tự, kể từ sau khi Thông tư 05 siết quy định đối với DN kinh doanh TNTX thuốc lá, rượu và ôtô nhập khẩu, lượng DN tham gia lĩnh vực này cũng giảm mạnh, chỉ còn 11 DN kinh doanh rượu, thuốc lá và 14 DN kinh doanh ôtô.

Hiệu quả chống lậu đã được tăng cường hơn, khi việc giám sát hàng hoá được tiến hành chặt chẽ hơn, cấm xé lẻ container trong quá trình vận chuyển và chỉ được TNTX ở những cửa khẩu đã được chỉ định.

Tuy nhiên, nhiều DN lại cho rằng, các quy định trên chỉ tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng, độc quyền, lợi ích nhóm; tạo điều kiện cho quan chức địa phương “nhũng nhiễu”.

Cụ thể, việc Thông tư quy định Bộ Công Thương chỉ xem xét cấp giấy phép TNTX cho các DN được UBND tỉnh lựa chọn với tiêu chí đã được quy định rõ ràng, nhưng khi DN đủ tiêu chí đến UBND tỉnh đăng ký thì được trả lời tỉnh đã lựa chọn đủ.

Nhưng theo phản ánh của DN phải mất tối thiểu 2-3 tỷ đồng chi trước cho lãnh đạo tỉnh và các sở thì mới “có suất”. Thêm vào đó, hằng tháng đều phải đóng thêm mỗi container 5 triệu đồng. DN tìm đến các địa phương có lối phụ, lối mở như Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng đều có chung câu trả lời giống nhau?!

Đơn kiến nghị của DN còn dẫn ví dụ cho biết, năm 2012-2013, Công ty Vĩnh Long được tỉnh Lạng Sơn chọn cho tái xuất qua lối mở Co Sa đã lợi dụng đứng ra thu tiền của các DN không được chọn với mức 35-40 triệu đồng/container hàng đi qua cửa chuyển khẩu. Chỉ trong 6 tháng, DN này đã thu lợi trái pháp luật 17 tỷ đồng. Vụ việc sau đó đã bị Bộ Công an phát hiện và khởi tố điều tra.

Do đó, các DN kiến nghị mọi loại giấy phép chỉ giao cho Bộ Công Thương cấp chứ tuyệt đối không giao cho UBND các tỉnh. Trong khi đó, các tỉnh lại đang kiến nghị được tiếp nhận thêm việc cấp phép từ Bộ Công Thương.

Ngày 12/1 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời về việc nhiều DN phản ánh một số tiêu cực phát sinh trong quá trình UBND các tỉnh lựa chọn và công bố DN được phép tái xuất hàng hoá qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan đã được công bố đủ điều kiện.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đề nghị các tỉnh không bổ sung thêm các điều kiện vượt quá quy định tại Thông tư 05. Không nên khống chế số DN được lựa chọn và quy định theo hướng các DN đáp ứng nguyên tắc đề ra thì được tái xuất qua các cửa khẩu đã công bố. Việc lựa chọn DN phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, quy trình thủ tục lựa chọn phải được thông báo rộng rãi đến các DN.

Nam phương
.
.
.