Lãi suất cho vay phụ thuộc vào “sức khỏe” tài chính và uy tín của doanh nghiệp

Thứ Bảy, 23/04/2016, 09:42
Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: Lãi suất liên ngân hàng đã tăng tuần thứ ba liên tiếp. Trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng đã chạm ngưỡng trên 5%/năm ở cả ba kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất (tăng 0,4%) lên mức 5,05%/năm; kỳ hạn một tuần tăng 0,24% và kỳ hạn hai tuần tăng 0,18%, đồng loạt đạt mức 5,01%/năm. Như vậy, sau ba tuần tăng liên tiếp, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã vượt mức 5%/năm, đồng thời chênh lệch lãi suất giữa ba kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần gần như không còn.

Theo BVSC, diễn biến tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vừa trải qua một đợt tăng nhẹ trên diện rộng tại tất cả các kỳ hạn, tạo hiệu ứng khiến lãi suất liên ngân hàng tăng theo. Thứ hai, kỳ vọng lạm phát quay trở lại (đến cuối quý I, lạm phát YoY đã đạt mức 1,7%) cũng khiến các ngân hàng phải chủ động tăng lãi suất nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn vốn trong thời gian tới.

Cũng dẫn số liệu về lãi suất tăng, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong, quý 1-2016, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng nhẹ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn. Mặc dù vậy, mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì.

Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4,5% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,4% - 6,8%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm. Trong khi đó, do đặc thù thường biến động sau lãi suất huy động một thời gian, mặt bằng lãi suất cho vay không có nhiều biến động so với cuối năm 2015.

Theo NHNN, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6% - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

“Chúng tôi cho rằng việc lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại là không bất ngờ trong bối cảnh lãi suất VND chịu khá nhiều áp lực. Trước hết, tương tự giai đoạn trước, lãi suất trong thời gian qua chịu áp lực từ lạm phát tăng trở lại và rủi ro giảm giá của VND dù giảm bớt nhưng vẫn hiện hữu. Mặc dù vậy, trong quý 1/2016, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất đến từ một số diễn biến của hệ thống ngân hàng kéo theo nhu cầu tăng cường huy động vốn.

Có thể kể đến như tăng trưởng huy động (13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (17,3% trong năm 2015) kéo theo tỷ lệ LDR (huy động/cho vay) của một số ngân hàng ở mức khá cao. Bên cạnh đó là tác động của dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn”, VCBS phân tích.

Tuy nhiên, VCBS cũng lạc quan cho rằng, NHNN vẫn còn nhiều dư địa chính sách và biện pháp điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất, đặc biệt là khi tỷ giá được điều hành theo hướng linh hoạt hơn. Hơn thế nữa, khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, VCBS duy trì kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được định hướng và duy trì ở mức thấp hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

“Chúng tôi kỳ vọng trần lãi suất huy động 5,5% ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Chúng tôi không thay đổi dự báo về mức tăng nhẹ khoảng 50 điểm cơ bản của mặt bằng lãi suất trong cả năm 2016. Trong khi đó, bắt đầu từ quý 2, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực từ động thái tăng lãi suất huy động trước đó trong quý 1. Tuy nhiên với mức tăng nhẹ của lãi suất huy động, chúng tôi không kỳ vọng vào sự đột biến của mặt bằng lãi suất cho vay và sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cân đối chi phí vốn của từng ngân hàng cũng như sức khỏe tài chính và uy tín của doanh nghiệp đi vay”, VCBS cho biết.

Lệ Thúy
.
.
.