Kiểm toán kết luận nhiều sai phạm của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước
Dù hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp hơn 2012, nhưng kết quả kiểm toán cũng cho thấy một tin mừng là có đến 36/38 Tập đoàn, Tổng Công ty (TĐ, TCT) kinh doanh có lãi, đứng đầu là Viettel (lãi 27.316 tỷ đồng); SCIC (4.413 tỷ đồng) và Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (2.165 tỷ đồng). Chỉ có 2 TCT kinh doanh lỗ TCT Thép Việt Nam - CTCP lỗ 222,43 tỷ đồng; TCT cổ phần Sông Hồng lỗ 4,42 tỷ đồng. Các TĐ, TCT được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn đến hết là 507.998 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỷ đồng; các khoản thuế và khoản khác phải nộp NSNN 13.912 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về tồn tại, nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn. Có thể kể đến Viettel với 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam 507,21 tỷ đồng; Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp với Công ty mẹ 440,35 tỷ đồng...; một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; nợ trong nội bộ một số TCT với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Viettel được đánh giá là doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả năm 2015. |
Nhiều TCT đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các TCT kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể; một số đơn vị trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ.
Hầu hết TCT có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư.
Do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, có đơn vị chưa góp đủ vốn điều lệ theo quy định, trong khi một số đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt chưa được xử lý; một số TCT quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa chặt chẽ, xây dựng đơn giá tiền lương, trích quỹ lương chưa hợp lý. Đơn cử Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức có tốc độ tăng tiền lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động; VTC năm 2012 xây dựng đơn giá tiền lương không được sự chấp thuận nhưng không xây dựng lại đơn giá tiền lương theo chỉ đạo của Bộ chủ quản; Công ty mẹ - Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp xây dựng đơn giá và quyết toán quỹ tiền lương chưa đúng quy định 8,26 tỷ đồng...
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, hầu hết các đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Một số TCT chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với NSNN. Đề án tái cơ cấu của một số TCT có nội dung chưa phù hợp; chưa thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc giải thể doanh nghiệp. Đến 31-12-2013, SCIC đã nộp NSNN đối với cổ tức được chia năm 2013 là 5.790 tỷ đồng nhưng chưa phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại một số công ty cổ phần để đôn đốc nộp cổ tức được chia năm 2013 vào NSNN, xác định thiếu lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN 217,2 tỷ đồng.
Kiểm toán việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ: Quản lý đầu tư còn sai sót ở tất cả các khâu Theo kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ năm 2013, Kiểm toán Nhà nước nhận định: trong quản lý thu, chi quỹ còn một số hạn chế: Công tác lập, giao kế hoạch thu, chi chậm và chưa phù hợp quy định. Các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thái Nguyên chưa lập kế hoạch thu, chi; một số địa phương giao kế hoạch chi chậm, giao lớn hơn so với số thẩm định dự toán; các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Yên Bái được ngân sách cấp bổ sung 87,772 tỷ đồng không thông qua Quỹ địa phương, ảnh hưởng đến công tác theo dõi, tổng hợp nguồn kinh phí; Quỹ bảo trì đường bộ trung ương còn phân chia quỹ mang tính chất điều hoà (bình quân) cho các địa phương; việc chuyển tiền cho các địa phương chậm nên đến 31/12/2013 một số địa phương còn dư quỹ 278,907 tỷ đồng; không phân chia hết tỷ lệ 35% cho các địa phương... Bên cạnh đó, công tác quản lý thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ trung ương và Quỹ bảo trì đường bộ các địa phương còn sai sót, chưa đồng bộ. |