Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Thứ Tư, 06/06/2018, 09:14
Tính đến thời điểm thời điểm 30-4-2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank là 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với 31-12-2017, chiếm 73,8%/tổng dư nợ cho vay.


Nông nghiệp là ngành có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, đây là ngành duy nhất xuất siêu và có ưu thế trong cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. 

Với mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, huyện đảo, Agribank luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Tính đến thời điểm thời điểm 30-4-2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank là 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với 31-12-2017, chiếm 73,8%/tổng dư nợ cho vay. 

Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là 140.087 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 23.343 doanh nghiệp; tăng so với đầu năm 2.065 tỷ đồng với 9.792 khách hàng doanh nghiệp; chiếm tỷ trọng 21,05%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn và chiếm 51%/tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn thuộc các lĩnh vực khác.
Tăng cường các khoản vay ưu đãi để giúp nông dân phát triển sản xuất chăn nuôi.

Agribank đã có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank. 

Đồng thời cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… 

Agribank cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn, triển khai mô hình Ngân hàng lưu động bằng xe ôtô chuyên dùng để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.

Một trong những hành động cụ thể, thiết thực của Agribank để thực hiện mục tiêu đó là Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”, với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ ngày 1-11-2016. 

Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình này là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank. 

Không chỉ có vậy, Agribank còn cho phép vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần, khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.

Với mong muốn thu hút ngày càng nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là đối tượng khách hàng quan trọng trong chính sách tín dụng của Agribank. 

Agribank tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đáp ứng đủ nguồn vốn, cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể; thực hiện các chương trình lãi suất ưu đãi cho vay đối với các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn; đáp ứng đủ nguồn vốn cho các nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn của khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan tuyên truyền quảng bá để mọi người dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn biết và hưởng ứng các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và Agribank.

Agribank mong muốn quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn được chú trọng; sớm xây dựng chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất, thuế cho từng chương trình dự án cụ thể, nhất là đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hoặc chuyển đổi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tăng cường xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa, quản lý thị trường, chú trọng chính sách hỗ trợ cho thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp từ cung cấp cây, con giống đến khâu chăm sóc, khâu tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, nhất là nông sản tiêu thụ theo mùa vụ, vùng miền; thúc đẩy sự hình thành thị trường trao đổi, thuê mướn đất canh tác, đất nông nghiệp; xây dựng cơ chế thúc đẩy người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho doanh nghiệp thuê đất trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, thành công trong việc gỡ hạn điền và xây dựng chuỗi giá trị.

PV
.
.
.