Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Việt Nam:

Khoảng 20% doanh nghiệp khai thác khoáng sản sẽ bị loại bỏ

Thứ Hai, 05/01/2015, 09:27
Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được coi là giải pháp đột phá nhằm hạn chế tình trạng xin – cho mỏ như trước đây. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế lại gặp nhiều vướng mắc. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã trả lời những thắc mắc của báo chí:

PV: Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 203/NĐ-CP đã gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai. Sau gần 1 năm thực hiện, việc chấp hành của các doanh nghiệp ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Nghị định số 203/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/1/2014. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc siết chặt quản lí hoạt động khoáng sản, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước. Việc triển khai nghị định này sẽ hạn chế được các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, “tay không bắt giặc”. Dự kiến có khoảng 20% doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép do không đủ khả năng nộp tiền cấp quyền khai thác. Các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm khai thác, công nghệ tiên tiến mới có thể tồn tại.

Ông Nguyễn Văn Thuấn.

Ngoài ra, để tránh thất thu cho ngân sách khi tính tiền cấp quyền khai thác, công tác thăm dò cũng được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Trước đây, khâu này bị buông lỏng nên nhiều mỏ xuất hiện trữ lượng “ảo”. Với việc siết chặt quản lí, hiện nay đã không còn tình trạng doanh nghiệp xin mỏ để đấy, mà chỉ đề nghị cấp phép khai thác theo công suất phù hợp với năng lực…

PV: Đến nay, Tổng cục đã phê duyệt được bao nhiêu hồ sơ xin cấp quyền khai thác khoáng sản, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Hiện tại, đã thẩm định được 450 hồ sơ với tổng số tiền 40.000 tỉ đồng. Trong đó đã phê duyệt 165 hồ sơ với tổng số tiền 19.000 tỉ đồng, thu trong năm 2014 gần 3.000 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền gần 1.000 tỉ đồng, thu trong năm 2014 gần 300 tỉ đồng.

PV: Nhiều địa phương phản ánh rằng, địa phương đã gửi hồ sơ xin khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ về Tổng cục nhưng không được giải quyết. Ông nói sao về điều này?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Đúng là chúng tôi đã nhận được hàng nghìn hồ sơ nhưng mới chỉ phê duyệt khoảng 200 khu vực. Có những địa phương gửi rất nhiều hồ sơ nhưng hồ sơ lại rất ít thông tin. Quan điểm của Bộ là hết sức hạn chế tiến tới chấm dứt việc khoanh định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ để tránh tình trạng đào bới. Hơn nữa, nếu cấp phép khai thác những khu vực này thì hiệu quả đạt được cũng rất thấp.

PV: Tình trạng khai thác cát trái phép hiện là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Với chức năng quản lí Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản, Tổng cục có giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 29 và Chỉ thị 02, trong đó có đề cập đến vấn đề khai thác cát. Theo đó, việc quản lí hoạt động khai thác cát sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương các cấp. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép thành điểm nóng thì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan liên quan soạn thảo Luật Hình sự sửa đổi trong đó có bổ sung một số điều về chế tài xử lí hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khánh Vy (ghi)
.
.
.