Hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP

Thứ Bảy, 31/08/2019, 07:45
Ngày 30-8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung”.

CPTPP đã có hiệu lực gần 8 tháng, song đến thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chưa thực sự tìm hiểu và hiểu biết về CPTPP. Khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường trong CPTPP cũng khá hạn chế. Kết quả điều tra sự quan tâm của DN với CPTPP đối với 8.600 DN của VCCI cho thấy: Mặc dù các DN đã có mức độ quan tâm nhất định tới CPTPP khi có tới 26% DN có tìm hiểu. Tuy nhiên, tới hơn 70% DN lại chưa rõ về hiệp định này.

Nói về sự quan tâm của DN tới CTPPP, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, chỉ có 12 câu hỏi liên quan tới CPTPP được các DN gửi đến Bộ Công Thương. Điều này còn quá khiêm tốn so với cộng đồng DN đông đảo của Việt Nam. 

Do vậy, khả năng tận dụng cơ hội từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, cũng như cung cấp những thông tin không mấy khả quan. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi nói chung vẫn còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 1,17%. Đơn cử, chỉ có 2 nhóm mặt hàng là giày dép, sắt thép tận dụng được khoảng 10% cơ hội. Mặt hàng dệt may được dự báo cơ hội lớn nhưng chỉ tận dụng được 0,03%. Điều này cho thấy cộng đồng DN chưa thực sự chủ động, quan tâm tìm hiểu các quy định trong CPTPP và nhiều FTA khác.

Từ thực tế này, ông Khanh cho rằng, nếu Nhà nước hoàn thiện, cải cách hệ thống thể chế, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, DN, nhưng bản thân các DN không chủ động đồng hành cùng Nhà nước để nắm bắt, hiểu, thực thi và hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại nói chung, CPTPP nói riêng thì kết quả chắc chắn sẽ rất hạn chế.

Doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về CPTPP thì hiệu quả xuất khẩu sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, không chỉ có DN chưa quan tâm, thiếu hiểu biết và chưa tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP mang lại mà ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước tính chủ động cũng chưa cao. “Cho đến nay, các bộ, ngành địa phương hầu hết đã có kế hoạch hành động nhưng các kế hoạch hành động đều không có kế hoạch thực hiện chi tiết. Thậm chí, nhiều chương trình hành động chỉ làm theo kiểu đối phó, làm cho có”, ông Khanh nói.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cản trở lớn nhất được các DN đưa ra là thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó; bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước… 

Trên thực tế, kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Các đầu mối thông tin, phổ biến tuyên truyền về CPTPP cho cán bộ nhà nước, DN cũng chậm. “Việc thực thi các cam kết không phải ở Chính phủ và các bộ, ngành mà chủ yếu ở địa phương và DN. DN nếu không hiểu về cơ hội từ CPTPP thì làm sao có thể tận dụng được.  Ở địa phương cũng cần tuyên truyền cho cán bộ quản lý về CPTPP để họ đừng vi phạm cam kết, gây tổn hại và làm cản trở DN”, bà Trang nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, câu trả lời nằm ở chỗ cần nâng cao hơn sự chủ động của cả bộ máy quản lý, các địa phương cũng như chính bản thân DN. Đồng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, thời gian tới cần đổi mới và tăng cường trước hết là việc tuyên truyền về các FTA nói chung, CPTPP nói riêng; cần sự vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn của các DN, bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy thực thi nghiêm túc, không thể chỉ làm với tính chất đối phó như thời gian qua.

Bên cạnh đó, bà Trang cũng đề xuất, Nhà nước cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch hành động cùng với sự tham vấn với DN. Từ góc độ DN, điều cần thiết là chủ động nắm thông tin, tìm hiểu và tận dụng cơ hội trong CPTPP; chủ động phản ánh các yêu cầu, những khó khăn gặp phải trong thực tiễn để cùng nhau giải quyết... 

Đặc biệt là chủ động nắm bắt những cam kết hội nhập giữa Việt Nam và thế giới; tự đánh giá lại nội lực, tận dụng cơ hội ngay tại thị trường trong nước trước khi tính đến những bước tiến ra thị trường quốc tế.

Lưu Hiệp
.
.
.