Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động
- Đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động của doanh nghiệp
- Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam gặt hái tại Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2020
- Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vận tải chuyển đổi biển số
Trong số hơn 500 DN bị ảnh hưởng, có 207 DN phải giảm thời gian lao động, ngưng việc gây ảnh hưởng tới trên 100 ngàn lao động.
Hoạt động sản xuất của một DN dần phục hồi sau dịch bệnh. |
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, thực tế con số này có thể lớn hơn nữa, vì trong các KCN có gần 2.000 dự án có vốn đầu tư trong nước và vốn FDI đang hoạt động. Bình quân 80% sản phẩm của các DN làm ra để xuất khẩu, chỉ 20% tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Trong đó, có những DN có tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chiếm đến hơn 90%. Ảnh hưởng nhiều nhất là các DN thuộc ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện tử; nhóm ngành sản xuất giày dép, nhóm ngành sản xuất sản phẩm gỗ.
Khó khăn các DN gặp phải do COVID-19 chủ yếu là việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, thương mại xuất nhập khẩu với nhiều nước bị ngưng trệ. Đặc biệt trên địa bàn cũng có 60 DN buộc phải tạm thời ngưng hoạt động vì không có đơn hàng, thiếu nguyên liệu đầu vào.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội bằng các chính sách tín dụng, lao động, bảo hiểm xã hội và chính sách về thuế để tạo điều kiện cho các DN khôi phục sản xuất.
Theo đó đến tháng 9, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 2.000 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay ngân hàng với số tiền hơn hơn 6.000 tỷ đồng. Trong khi đó hơn 2.500 đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với trên 1,2 ngàn tỷ đồng tiền thuế được gia hạn. Hiện nay, Cục Thuế Đồng Nai đang xem xét thẩm định nhiều hồ sơ của hộ kinh doanh thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Công ty TNHH MTV Tú Tài ở KCN Tam Phước, TP Biên Hòa chuyên sản xuất chế biến đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, từ khi đại dịch COVID -19 xuất hiện, đơn hàng giảm chỉ còn một nửa so với cùng kỳ các năm trước. Điều này cũng khiến việc làm và thu nhập của hơn 500 công nhân bị ảnh hưởng.
Theo ông Võ Văn Thanh, Phó giám đốc công ty, với sự nỗ lực khắc phục của DN và sự hỗ trợ của tỉnh cũng như các ngành liên quan thì đến đầu tháng 9 năm nay đơn hàng đã phục hồi được khoảng 93% và dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên 105%.
Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, thời gian qua các cấp Công đoàn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những lao động bị mất việc làm, gặp khó khăn.
Cùng với đó, rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, kết nối lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của DN, bảo đảm đời sống người lao động.
Đến nay số lao động phải ngừng việc và tạm hoãn hợp đồng lao động do bị ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản trở lại các DN làm việc hoặc đã được Liên đoàn Lao động và Công đoàn các cấp giới thiệu việc làm mới để ổn định việc làm và đời sống người lao động.
Để hỗ trợ các DN về công tác xuất nhập khẩu sau khi phục hồi sản xuất, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai làm việc với các DN xuất khẩu lớn để nắm tình hình và có biện pháp hỗ trợ trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, việc các DN trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời cũng đóng góp rất lớn cho thu ngân sách Nhà nước cho tỉnh cũng như Trung ương. Bởi Đồng Nai là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu, thu ngân sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung quyết liệt thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các DN.