Hàng không Việt Nam an toàn luôn được đặt lên hàng đầu

Thứ Bảy, 13/04/2019, 06:38
Thông tin trên được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững” do Báo Giao thông tổ chức. Cũng tại đây, lãnh đạo Cục Hàng không, chuyên gia kinh tế, giao thông, đại diện các hãng hàng không đều chung quan điểm: Hàng không có phát triển đến đâu thì an toàn vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.


Cạnh tranh tạo ra lợi ích cộng đồng và uy tín quốc gia

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra một loạt các con số dẫn chứng về sự tăng trưởng của ngành hàng không trong 10 năm qua. Cụ thể, năm 2008 tổng số máy bay của Việt Nam chỉ có 60 nhưng hiện tại đã tăng lên gấp 3 lần với 192 máy bay. Độ tuổi trung bình của đội máy bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Năm 2008, chúng ta chỉ sở hữu có 29 máy bay, còn lại là đi thuê, nhưng hiện nay là 57 máy bay sở hữu.

“Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008” - ông Hảo cho hay.

Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…. Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững.

Hàng không Việt Nam phát triển tạo cơ hội cho người dân đi lại thuận lợi hơn.

Nói về cơ hội cạnh tranh, và sự tăng trưởng “nóng” liệu có ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, vị Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ: Với hàng không, an toàn phải được đặt lên hàng đầu. An toàn không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả một quốc gia.

Bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, như Bamboo Airway, SunGroup với Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay. Sự cạnh tranh lành mạnh trong hàng không tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng và uy tín của quốc gia.

Lãnh đạo Cục Hàng không nhấnh mạnh thêm: “Ngành hàng không của chúng ta vẫn còn khá non trẻ nhưng các tổ chức quốc tế đã đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số liên tục trong 10 năm qua”.

 Trong khi đó, dưới con mắt của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng: “Có hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phát triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam.

Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này là kéo hàng không tăng trưởng vừa là sức ép với hàng không Việt Nam, cùng với nhu cầu dịch chuyển của con người ở các phân khúc khác nhau”. Ông Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh, không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu của chúng ta không có. Cạnh tranh của hàng không Việt Nam có cái chung của cạnh tranh trên thị trường nhưng cũng có cái rất đặc biệt. Cạnh tranh, tăng trưởng bền vững và đem lại lợi ích cho khách hàng.

An toàn phải được đặt lên hàng đầu

 Ông Đỗ Đức Tú - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ lụy nhất định. Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không.

Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người. Các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways: Thị trường hàng không ở nước láng giềng như Thái Lan có tới 13 hãng hàng không, còn hiện Việt Nam mới chỉ có 4 hãng hàng không. Chỉ số phần trăm người dân Việt Nam bay không quá 50%, tức là không quá 50% người dân được trải nghiệm bay.

Với sự ra đời của VietJet hay Bamboo, hy vọng sẽ thêm nhiều người dân có cơ hội được bay và đặt chân lên máy bay. “Khi bước vào thị trường này chúng tôi xác định cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sự an toàn, sự tiện nghi của các dịch vụ chất lượng 5 sao. Có hai lĩnh vực chúng tôi không bao giờ đánh đổi. Đó là về an toàn và khai thác bay. Hai lĩnh vực này Bamboo đều có chuyên gia hàng đầu phụ trách”, ông Thắng thẳng thắn.

Theo ông Phạm Văn Hảo, thời gian qua, Cục Hàng không đã rút kinh nghiệm trong phân bổ giờ bay cho hài hoà, như việc tăng cường bay đêm, thuyết phục hãng hàng không giảm giá để dân bay đêm. Đã đề nghị ACV tăng cường lắp các thiết bị hạ cánh chính xác, hay lắp đèn để bay đêm. Hay như, trên trời, theo quy tắc 2 máy bay phải đảm bảo giãn cách 5 dặm, giờ rút xuống còn 3 dặm.

Ngoài việc đầu tư tiền, đi theo đó là con người. Các doanh nghiệp hàng không phát triển nhưng phải gắn chặt với sự phát triển của nhà chức trách hàng không. Nhà chức trách hàng không cũng phải đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát, nếu không đủ năng lực, nhà chức trách hàng không nước ngoài, ICAO sẽ khuyến cáo ngay là anh không đủ năng lực.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó, giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%.

Cùng nhận định tích cực về xu hướng này, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế gới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Phạm Huyền
.
.
.