Gỡ vướng đất đai để “thúc” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
- Cùng Agribank "Gửi niềm tin, nhận tài lộc"
- Agribank dành 6.000 giải thưởng tổng trị giá 1 tỷ đồng tri ân khách hàng
- Agribank vào Top 500 ngân hàng thương hiệu mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 sẽ CPH 127 DN, cụ thể: năm 2017 CPH 44 DN; năm 2018 CPH 64 DN; năm 2019 CPH 18 DN; năm 2020 CPH 1 DN.
Thực tế triển khai công tác CPH lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, đã có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018 đã CPH 33 DN, trong đó có 6 DN thuộc danh sách CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN.
Còn 2 tháng đầu năm 2019, theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính thì chưa có DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tiến độ triển khai CPH như vậy còn chậm, không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Agribank đang giải quyết vấn đề đất đai trước khi CPH. |
Đi tìm nguyên nhân của tiến độ “rùa bò” này, bên cạnh những lý do chủ quan và khách quan như con người, cụ thể là tư duy của lãnh đạo DN, việc chậm đổi mới quản trị DN, các vướng mắc về tài chính, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện… thì vướng mắc trong xử lý đất đai là một điểm nghẽn gây nhiều chú ý.
Vốn từng là “xương sống” của nền kinh tế, thế nên việc các DNNN sở hữu đất vàng, đất bạc là điều dễ hiểu do bối cảnh lịch sử để lại. Vì vậy, việc xử lý đất không chỉ mất thời gian, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của từng DNNN. Có những DN sống bằng việc cho thuê đất như trường hợp Văn phòng phẩm Hồng Hà đang từ có lãi trở thành thua lỗ khi “bóc” lợi nhuận từ tiền thuê đất. Hay như Hapro, trước khi CPH đã phải mất 1,5 năm để sắp xếp lại đất đai, thu về hơn 100 mảnh khác nhau.
Rồi bài học nhãn tiền về "lùm xùm" đất đai trong CPH Hãng Phim truyện Việt Nam cũng là trường hợp cần rút kinh nghiệm. Do không giải quyết triệt để mảng đất đai, nhiều vấn đề sau CPH nảy sinh do thời hạn thuê đất đã hết từ năm 2012, nợ đọng kéo dài nhiều năm nhưng không bị thu hồi và sau đó đánh giá bằng 0…
Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, khác với trước đây, quá trình CPH diễn ra song song với sắp xếp lại đất đai, thì trong giai đoạn này, trước khi CPH, các DN sẽ phải hoàn thành quá trình rà soát lại đất đai. Sau khi rà soát, DN báo cáo với địa phương, xác định đất phù hợp mới được sử dụng, tính vào giá trị. Đất thừa, không sử dụng sẽ bị thu hồi.
Với chủ trương mới này, câu chuyện 4 triệu m² đất của Agribank cũng đang là vấn đề được cơ quan chức năng cũng như DN này nhiều lần ngồi lại với nhau để bàn bạc.
Theo đó, Agribank đưa ra lộ trình tới năm 2019 sẽ tiến hành CPH, song vì liên quan tới vấn đề cấp sổ đỏ, định giá đất đai... của 4 triệu m² này nên phía Bộ Tài chính cho rằng Agribank phải sắp xếp xong xuôi, có trên tay phương án sử dụng đất rồi mới tiến hành CPH, vì nếu chốt thời điểm CPH sớm quá sẽ không hiệu quả, định giá càng xa thời điểm chốt, giá trị DN sẽ càng xuống.
Trước thực trạng trên, để hoàn thành công tác CPH theo đúng kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2019- 2020, ngay những ngày đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05-1-2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước, trong đó đề ra 8 nhóm yêu cầu và chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN đề cao trách nhiệm, tập trung triển khai đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Riêng với vướng mắc về đất đai, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN và các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
Căn cứ phương án sắp xếp nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt nêu trên và lộ trình, kế hoạch CPH đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định thời điểm CPH, trong đó có lựa chọn thời điểm xác định giá trị DN CPH cho phù hợp.
Trong hồ sơ chuẩn bị cho công tác CPH báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng (tập hợp các đề xuất về hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất) được cấp có thẩm quyền phê duyệt nêu trên.
Tiếp đó, sau khi lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp CPH theo quy định, căn cứ phương án sắp xếp nhà, đất đã được duyệt, nhu cầu sử dụng đất để cho DN sử dụng sau khi CPH và thời điểm xác định giá trị DN, Ban Chỉ đạo CPH tại DN chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng DN chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan gửi đến từng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) đề nghị có ý kiến đối với toàn bộ diện tích đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau CPH và giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá trị DN theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất DN sẽ tiếp tục sử dụng sau CPH và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị DN...