Gỡ khó cho du lịch Việt khắc phục khó khăn do COVID-19
- Bình Dương liên kết vùng để phát triển du lịch bền vững
- Đẩy mạnh quảng bá trực tuyến du lịch bền vững của Việt Nam ra quốc tế
- “Lên dây cót” tận hưởng những điều kỳ thú tại Khu du lịch Trà Sư
“Chán không muốn đến công ty, không muốn nghe điện thoại vì toàn hủy tour với yêu cầu hoàn tiền của du khách”. Đó là than thở của giám đốc Công ty Fivestar Travel, ông Lưu Duy Doanh. Ông Doanh cũng cho hay, đợt dịch mới này, doanh nghiệp “thiệt đơn thiệt kép” bởi lẽ, thời điểm Đà Nẵng tái bùng phát dịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại đây và cả các đơn vị liên quan như vận chuyển… có lý do để đồng ý hoàn tiền đặt cọc của khách. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn cho đón khách mà khách đòi hủy tour thì doanh nghiệp không có cách nào xoay xở.
Các đơn vị lữ hành biết là khách lo lắng dịch bệnh nhưng các đối tác không đồng ý hoàn tiền thì cũng đành chịu, vì theo quy định thì họ vẫn được phép tổ chức cung cấp các dịch vụ…
Thực tế những khó khăn mà Fivestar Travel đang vấp phải hiện nay không phải là cá biệt mà là tình trạng chung của rất nhiều đơn vị lữ hành khác khi COVID-19 tái phát trở lại. Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ những ngày cuối tháng 7, khi COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, du lịch Hà Nội đã chịu ảnh hưởng lớn. Ước tính trong tháng 8-2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 310 nghìn lượt, giảm 70,3% so với tháng 7/2020, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch nội địa tham quan thác Khuổi Nhi, tỉnh Tuyên Quang trước khi dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại. |
Tính tổng 8 tháng của năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 43.699 tỷ đồng).
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Khi dịch bùng phát trở lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp lữ hành vừa mới phục hồi. Dự báo, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn gấp bội so với giai đoạn trước đây. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết, đa số khách đã hủy các chương trình du lịch đến Đà Nẵng, các tuyến du lịch miền Trung, Phú Quốc, Đà Lạt cho đến tháng 9.
Mỗi ngày, các doanh nghiệp chỉ phục vụ vài đoàn khách đến các địa phương không có người nhiễm COVID-19 nhưng số lượng chỉ bằng 0,3% đến 0,5% số chuyến so với dự kiến ban đầu. Các dịch vụ du lịch thực hiện từ 26/7 đến 1-8 đã được các đơn vị lữ hành thanh toán 100% cho các đối tác nhưng các đơn vị này phải hoàn trả 100% cho các khách hàng hủy tour. Trong khi đó, một số đơn vị cung ứng dịch vụ tại các địa phương không phải vùng dịch chưa hoàn tiền đặt cọc hoặc chuyển thời điểm sau dịch cho các hãng lữ hành.
Các hãng hàng không cũng chỉ chuyển cọc đến thời điểm sau dịch. Vì vậy, các hãng lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn. Ước tính, đến thời điểm hiện tại, có từ 90% đến 95% doanh nghiệp lữ hành đã ngưng hoạt động. Trước những khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã những chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách còn khó khăn. Do không có tài sản thế chấp nên doanh nghiệp khó tiếp cận các gói vay tín chấp của Ngân hàng.
Hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tình hình áp dụng chính sách của mỗi địa phương có những đặc thù riêng, các quy định, hướng dẫn của Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với hướng dẫn viên…
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch có thể nói là chịu ảnh hưởng kép, hay bị tiếp một cú “đấm bồi” khi dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% cuối tháng 7 và tháng 8/2020, là hai tháng cao điểm du lịch nội địa.
Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với thách thức lớn. Các doanh nghiệp lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour một loạt của khách du lịch.
Theo phản ánh của doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn khi chính sách của các hãng hàng không là chỉ cho lùi tiền cọc vé mà không hoàn trả, do đó doanh nghiệp lữ hành đang chịu sức ép vì khoản tiền cọc vé không nhỏ, nhất là khi các doanh nghiệp vừa gánh chịu tổn thất quá lớn của đợt đầu dịch COVID-19, trong khi đó khách du lịch hoãn huỷ tour thì đòi hoàn tiền. Hàng không cho hoãn huỷ thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến của khách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành Du lịch. Một số nhiệm vụ quan trọng năm 2020 phải điều chỉnh, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai kế hoạch của ngành.
Để kịp thời đồng hành với các doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn, mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách để chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn. Tổng cục Du lịch cần rà soát lại các khó khăn, bất cập mà các doanh nghiệp du lịch đang gặp hiện nay để báo cáo Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, trước mắt cần giải quyết các vấn đề cấp bách như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ. COVID-19 trở lại cũng là dịp để các đơn vị rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong các hợp đồng cho các đợt kích cầu tiếp theo. Bởi lẽ, kích cầu du lịch vừa qua, khách tham gia rất đông vì chưa bao giờ có giá tốt hơn thế. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chỉ hưởng lợi được ở việc tái khởi động hoạt động và duy trì bộ máy, chưa có lợi nhuận. Du khách tham gia chương trình, được hưởng lợi thì cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, không vì dịch vừa trở lại là hủy tour và đòi hoàn tiền ngay lập tức.
Tất nhiên, với khách hủy tour, bên cạnh việc thuyết phục khách giữ dịch vụ cho đến thời điểm thích hợp hơn với giá ưu đãi, các doanh nghiệp lữ hành, cung cấp dịch vụ cần phối hợp với cơ quan quản lý công khai mức tiền khách đặt cọc như một khoản nợ một cách minh bạch để khách yên tâm. Các doanh nghiệp lớn nên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoàn tiền đặt trước nếu có điều kiện…