Giảm lãi suất thêm 0,5%: Lưu ý lạm phát

Thứ Ba, 05/09/2017, 09:23
Trong lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%.

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đạt 6,7%, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung đầu tư vào các dự án đang dở dang để đưa vào sử dụng hiệu quả. Trong lĩnh vực ngân hàng, phải tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22%.

Chỉ đạo của Thủ tướng tiếp tục được đưa ra khi Chính phủ thống nhất đánh giá trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực hơn, chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. 

Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. 

Tính đến ngày 21-8-2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,01%). Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của 8 tháng ước đạt trên 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (39%) và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Sau gần 1 tháng thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, có 11/44 bộ, ngành và 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao trên 60%; tuy nhiên vẫn còn 13/44 bộ, ngành và 4/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 30%...

Riêng về câu chuyện giảm lãi suất, đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ. Thời gian gần đây, tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá mạnh so với giai đoạn trước, song đại bộ phận doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 9-12%/năm, lãi vay tiêu dùng lên tới 20-30%/năm, trong khi nhiều nước trong khu vực lãi suất trung bình chỉ 5-6%/năm, điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút. 

Lãi suất cao, chi phí trả lãi vay ngân hàng trong giá thành sản phẩm rất lớn, có những doanh nghiệp doanh thu tăng lên gấp đôi nhưng lợi nhuận giảm, nên yêu cầu giảm lãi suất là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn để kích thích nền kinh tế phát triển. 

Đặc biệt khi Thủ tướng chỉ đạo tín dụng cả năm tăng 21-22%, có nghĩa chỉ trong 5 tháng cuối năm, sẽ có gần 700.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế, thì để sản xuất kinh doanh “hấp thụ“ được số tiền này, việc giãm lãi suất là điều kiện cần.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) trong báo cáo mới nhất đã cho rằng, những tháng cuối năm 2017 vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cơ quan này khuyến cáo việc giảm lãi suất cần lưu ý kiểm soát lạm phát. 

Cụ thể, theo UBGSTCQG, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 9,3%). Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%) trong khi áp lực từ phía phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng không còn nhiều (vì 8 tháng đầu năm đã hoàn thành 78,5% kế hoạch năm 2017). 

Ngoài ra, nỗ lực từ phía nhà điều hành về xử lý nợ xấu sẽ đóng góp tích cực hơn trong việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, ghi nhận lạm phát so với cùng kỳ sau 6 tháng liên tục giảm đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8, khi CPI tháng 8 đã tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016, báo cáo của UBGSTCQG chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) bởi nếu không tính tăng giá dịch vụ công, lạm phát tháng 8 chỉ tăng 0,52% so với cùng kỳ và không tăng so với đầu năm. 

“Đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy một chu kì tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo, cần được theo dõi để kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ công trong những tháng tới nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”, UBGSTCQG cảnh báo.

Bên cạnh đó, một diễn biến đáng chú ý khác là huy động trái phiếu chính phủ trong tháng 8 diễn biến kém thuận lợi với tỷ lệ trúng thầu đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm (chỉ đạt 27%) do lực cầu giảm mạnh.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do Chính phủ nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiến các ngân hàng có xu hướng giữ lại nguồn để cho vay thay vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Và đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy lãi suất cho vay không dễ để giảm thêm.

PV
.
.
.