Giải quyết tranh chấp phí bảo trì chung cư: Chính quyền cần quyết liệt

Thứ Ba, 02/07/2019, 08:18
Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố trên cổng thông tin của đơn vị này, hiện nay chỉ tính trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn gần một nửa các chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị tòa nhà. Câu chuyện tranh chấp phí bảo trì không còn mới, và vẫn đang ngày càng nóng.

Tại Hà Nội, việc tranh chấp phí bảo trì chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân giờ là chuyện xảy ra như “cơm bữa”. Không ai còn xa lạ với cảnh cư dân giăng băng rôn, biểu ngữ đỏ rực các tòa nhà. Ở dự án này vừa được hạ xuống lại có dự án khác được treo lên. 

Các tranh chấp mới liên tục phát sinh. Mới nhất là trung tuần tháng 6, 4 toà chung cư Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm đỏ rực băng rôn đòi chủ đầu tư là Công ty Sông Đà 7 tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị và bàn giao phí bảo trì. Theo các cư dân ở đây, họ đã chuyển về sinh sống được hơn 1 năm. Các tòa nhà cũng gần như được lấp đầy, thế nhưng không hiểu sao, chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban Quản trị. 

Cũng trong giữa tháng 6, gần 300 hộ dân ở chung cư Westa Hà Đông cũng giăng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư kín tòa nhà để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao sổ đỏ và phí bảo trì chung cư. 

Theo phản ánh của cư dân thì dự án chung cư Westa Hà Đông, dự án gồm 2 khối nhà cao 21 và 25 tầng tại Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, do Công ty cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009, đến 2014 bàn giao cho cư dân về ở. Dù đã vào ở 5 năm nay nhưng chưa được cấp sổ đỏ và trả quỹ bảo trì. Theo chị Nguyễn Ngọc Hằng, một cư dân khu nhà Westa Hà Đông thì tính tổng số kinh phí bảo trì của dự án này là không ít. 

“Giá trị mỗi căn hộ ở đây trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng, số lượng gần 300 căn hộ, với 2% phí bảo trì tính ra số tiền lên tới xấp xỉ 12 tỷ đồng. Con số không hề nhỏ nhưng không hiểu sao 5 năm qua chủ đầu tư mới chỉ trả cho cư dân có 200 triệu đồng. Theo quy định thì họ chỉ là người giữ hộ khi có Ban Quản trị phải trả lại cho cư dân nhưng lại cứ chây ì”, chị Hằng cho biết.

Giải quyết tranh chấp phí bảo trì chung cư: Chính quyền cần quyết liệt.

Vấn đề tranh chấp phí bảo trì nhà chung cư đã tồn tại từ rất lâu nay nhưng chưa được giải quyết. Các cấp, các ngành đã nhiều lần họp bàn, thậm chí Quốc hội cũng đã đưa ra bàn… thế nhưng trong khi các biện pháp xử lý vẫn cư đang được bàn thì những tranh chấp mới lại liên tục phát sinh. 

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, có tới quá nửa số chung cư trên địa bàn Hà Nội chưa được chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị. Cụ thể, trong số 492 chung cư thương mại có tới 254 tòa nhà (chiếm 52%), 33 trong số 82 chung cư tái định cư (chiếm 40%) chưa bàn giao phí bảo trì.

Luật sư Nguyễn An, Giám đốc Công ty Luật Cộng đồng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, vấn đề tranh chấp phí bảo trì chung cư hiện nay đang là vấn đề rất nóng, liên tục phát sinh tranh chấp mới. Nếu không có các biện pháp giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ mất ổn định, mất an ninh trật tự. 

“Mâu thuẫn người dân với chủ đầu tư khi xung đột về hợp đồng, quỹ bảo trì, vận hành chung cư… trách nhiệm của Nhà nước phải xử lý. Quỹ bảo trì không trả cho cư dân nơi đã thành lập ban quản trị thì ai chịu trách nhiệm? Trong Nghị định 99 (Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở) điều 37 nêu rất rõ đây là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố phải cưỡng chế đối với các chủ đầu tư chây ì”, luật sư Nguyễn An giải thích.

Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự cho rằng, để các chủ đầu tư không nhờn luật cần có biện pháp mạnh. Cần thiết phải hình sự hóa vấn đề đối với chủ đầu tư cố tình chây ì thì tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì sẽ ít xảy ra. 

“Đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình không trả thì có thể khởi tố hình sự. Nếu chủ đầu tư không trả lại mà tiêu hết, đòi không trả thì rõ ràng đây là hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ví dụ trên địa bàn Hà Nội, người dân đã từng gửi đơn lên Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội. 

Các cơ quan chức năng đã có công văn chỉ đạo là hoàn trả tiền đó cho Ban Quản trị mà chủ đầu tư vẫn không trả, rõ ràng là hành vi chiếm đoạt tài sản. Người dân phải làm đơn lên cơ quan Công an. Công an sẽ tiến hành điều tra. Nếu như chủ đầu tư có tiền hoàn trả thì không sao, nhưng nếu như chủ đầu tư đã tiêu hết số tiền này thì rõ ràng chủ đầu tư đã phạm tội và phải khởi tố hình sự”, luật sư Bùi Quang Hưng cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.