Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với COVID-19

Chủ Nhật, 01/03/2020, 09:00
Dịch COVID -19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp (DN). Theo các chuyên gia kinh tế, phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc ở nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra nhưng trong nguy vẫn có cơ, nên đây là thời điểm để DN tự thay đổi mình...


Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) chia sẻ, sau chuyến thăm 6 DN trong Câu lạc bộ DN dẫn đầu, bà nhận thấy hầu hết các DN cho rằng họ đều “giật mình, lùi lại và nghĩ sâu”.

Tức là, từ trước giờ DN cứ chạy theo sự vụ, chạy theo thị trường, chạy theo những vấn đề có tính chất tình huống... để rồi bây giờ mới thấy rằng, nguyên liệu cũng không có, thị trường bị co hẹp, đơn hàng giảm mạnh khi bị tác động kép – khó khăn cả nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

Chắc chắn, khi một bộ phận người lao động không đi làm được thì tiêu dùng sẽ bị thu hẹp, hoặc họ để dành tiền cho những ngày tháng khó khăn sắp tới. Vì vậy, chẳng những thị trường xuất khẩu bị co lại, mà tiêu dùng trong nước cũng thu hẹp.

Nhiều DN thừa nhận, thực trạng hiện nay là rất nghiêm trọng, khi họ bị đẩy vào chân tường và khi “bật” ra, họ mới nghĩ lại mô hình kinh doanh, bộ máy nhân sự, thu chi, báo cáo tài chính, kể cả những dòng sản phẩm của DN mình... Từ đó, cơ cấu, thay đổi đểphù hợp với việc ứng phó.

Ngành dệt may bị thiệt hại nặng bởi dịch bệnh COVID – 19 do nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc Trung Quốc.

Thời gian qua, một số DN đưa ra nhiều kịch bản khác nhau và họ đã làm khá tốt. Điển hình, Công ty Gốm sứ Minh Long, lãnh đạo công ty nhìn nhận tình hình khá nghiêm trọng sau khi tham gia một hội chợ triển lãm. Đây là sự kiện chính trong năm. Thường, từ hội chợ triển lãm này, công ty sẽ thu được những đơn hàng quyết định cho cả năm.

Nhưng năm nay có đến 700 nhà triển lãm không tham gia sự kiện mà đều là DN của Trung Quốc. Lượng khách tham quan ước lượng giảm hơn 60%. Khách đến showroom Minh Long cũng giảm đến 30%...

Tuy nhiên, DN này cũng khá nhanh nhạy khi nghiên cứu cho ra dòng sản phẩm mới là ly giữ nhiệt, đến nay sản phẩm làm ra không đủ bán. Sắp tới, DN tiếp tục đưa ra thị trườngsản phẩm hộp đựng đồ ăn mang theo đi làm, phù hợp trong tình hình dịch hiện nay; ra những bộ sản phẩm nồi gốm sứ nhiều kích cỡ ai cũng có thể sử dụng, kể cả nồi lớn nấu cho những bếp công nghiệp, ở nhiệt độ cao vì DN nghiên cứu trên thị trường thấy phần lớn loại nồi to khi nấu ở nhiệt độ cao thì bị thủng đáy.

“Ngoài công ty Minh Long, những công mà chúng tôi đã đi thăm như: Công ty Điện Quang, nhựa Duy Tân, bút bi Thiên Long... cũng có những đổi mới, sáng tạo rất hay để thay đổi, để tự cứu mình trước khó khăn hiện nay”, bà Hạnh cho biết.

Theo đại diện Công ty Nhựa Duy Tân, DN không nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nhưng nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc. Đây cũng là thị trường “nóng” với dịch COVID-19, nên ảnh hưởng cũng không nhỏ. Vì vậy, hiện DN đang phải xây dựng kịch bản để ứng phó dịch, bởi khi tình hình kinh tế khó khăn, sản phẩm nhựa không phải là mặt hàng thiết yếu nên tiêu dùng giảm, hoặc bị cắt bớt, nên doanh thu của DN chắc chắn sẽ giảm.

Cùng với kế hoạch ứng phó, DN cũng kỳ vọng vào những chương trình đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước để vượt khó.

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp để DN ứng phó trước dịch bệnh COVID-19” được tổ chức ngày 28/2 tại TP Hồ Chí Minh,TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Dịch bệnh COVID-19 trở thành tai họa đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam.

Vì vậy, cần có chính sách của Chính Phủ và hành động của DN một cách mạnh mẽ nhất, để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt: xuất- nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, vận tải… Chuỗi giá trị bị đứt gãy; vật tư, nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn.

Điều đáng lo ngại hiện nay là rất nhiều ngành của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong họa có phúc, trong nguy có cơ, DN cần tận dụng thời điểm này đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác. Tái cơ cấu sản xuất, thị trường, tìm đối tác mới, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới...

Đồng thời, DN cần vận dụng mạnh công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử, vận dụng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, DN phải liên kết lại với nhau, nhận chung một đơn hàng và cùng đáp ứng đơn hàng. Việc liên kết ở DN Việt Nam trước giờ còn yếu, đây là lúc DN phải liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng để tự cứu mình.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, sắp tới HDNHVNCLC sẽ lấy phiếu thăm dò các DN. Sau đó, lọc những DN có những khó khăn giống nhau thành từng nhóm, rồi mời các chuyên gia, DN lớn hơn đến để hỗ trợ cho DN.

Thúy Hà
.
.
.