Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Ngân hàng e ngại khi giải quyết vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Giải pháp vốn nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong APEC?
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quá nhiều tham vọng
Nhiều rào cản về vốn
Lực lượng DNNVV chiếm khoảng 98,1% tổng số DN trên cả nước, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Song, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme), hiện nay một trong những hạn chế của các DNNVV là vốn.
Do quy mô, các DNNVV vẫn tập trung chủ yếu ở nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên cơ sở DN tự tiếp cận hoặc thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và vay vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn qua các kênh nói trên cũng không hề dễ đối với nhóm DN này.
Theo TS.Nghiêm Xuân Thành, CT HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), có 3 nguyên nhân cả chủ quan và khách quan đang là rào cản. Về phía DN, DNNVV phần lớn đều có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh trong nước và ngoài nước còn yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực thiếu kỹ năng và kinh nghiệm, sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, các DN chưa có sự liên kết với nhau và liên kết với các DN lớn để tạo nên chuỗi giá trị cạnh tranh tầm khu vực.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn về tài sản bảo đảm khi vay vốn. |
Đa số các DNNVV có cách thức quản lý, quản trị mang tính tư nhân gia đình, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn. Năng lực về quản trị hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến DNNVV gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, xây dựng phương án kinh doanh, cơ hội đầu tư khả thi, thiếu hiểu biết về các quy định khi tiếp cận các nguồn vốn vay. Về tài sản bảo đảm, bản thân DNNVV đã tiềm ẩn khá nhiều rủi ro do tài sản của DN có giá trị thấp, dòng tiền không dồi dào, lịch sử quan hệ tín dụng và xếp hạng tín dụng với ngân hàng chưa cao.
Về tính minh bạch của số liệu kế toán, thông tin tài chính kế toán chưa theo chuẩn mực, thông tin chưa đảm bảo minh bạch do các DNNVV chưa coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu này, báo cáo tài chính phần lớn không có kiểm toán, tính chính xác còn hạn chế.
Từ phía bên cho vay, ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn, đánh giá uy tín của khách hàng trong quan hệ tín dụng để đưa ra quyết định cho vay; trong việc đáp ứng các điều kiện liên quan đến tài sản bảo đảm theo quy định chung của hệ thống ngân hàng.
Một khó khăn khách quan khác là về phía các cơ quan quản lý nhà nước. Bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV có thể hủy ngang, theo đó, quỹ có quyền từ chối một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh, do đó, tiềm ẩn xảy ra tranh chấp với các tổ chức tín dụng cho vay.
Ngoài ra, quỹ phải chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, do đó, để phòng tránh rủi ro, nhiều quỹ vẫn yêu cầu tài sản bảo đảm không khác gì ngân hàng, nên vẫn không giải quyết được khó khăn nội tại của DNNVV, không khuyến khích được quỹ phát hành bảo lãnh tín dụng phát triển. Hơn nữa, bảo lãnh cho vay là hoạt động có rủi ro nhưng hiện cũng chưa có hướng dẫn về việc trích lập dự phòng rủi ro cho quỹ bảo lãnh tín dụng…
Gỡ từ 3 phía
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam thừa nhận những khó khăn nói trên.
Để tháo gỡ, TS Nghiêm Xuân Thành cho rằng, DNNVV cần phải khắc phục chính những nhược điểm của mình để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Cụ thể, phải dần minh bạch hóa thông tin tài chính, tạo lòng tin trên thị trường. Nâng cao chất lượng, trình độ quản trị DN, quản trị rủi ro và quản lý tài chính.
Tích cực tham gia các hiệp hội DN để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như các TCTD. Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.
Phía các NHTM cũng cần tăng cường một số giải pháp. Trong đó có giải pháp thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp, cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay, tổ chức các diễn đàn/hội thảo để kết nối DNNVV và ngân hàng; tài trợ cho vay theo chuỗi cung ứng ...
“Cùng với đó, quỹ bảo lãnh DNNVV cần chuyển sang cơ chế bảo lãnh không hủy ngang để giúp ngân hàng an tâm khi cấp tín dụng, đồng thời, có quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng rủi ro, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro.
Ngoài ra, có thể kêu gọi vốn góp từ các tổ chức tín dụng và quỹ nước ngoài để tăng vốn điều lệ cho quỹ nhằm tạo nguồn lực cho quỹ phát triển và hỗ trợ một cách thiết thực đối với DNNVV.
Tương tự như vậy, ngoài việc gia tăng quy mô cho quỹ phát triển DNNVV, cần có một hướng dẫn cụ thể về cho vay và nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro để quỹ có thể triển khai theo định hướng chuyển từ cho vay ủy thác qua các NHTM sang cho vay trực tiếp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ DNNVV để DN có thể dễ dàng tiếp cận thông tin liên quan đến các chương trình hỗ trợ”, TS Thành đề xuất.