Gạo Campuchia đang hút hàng tại vựa lúa miền Tây

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:39
Mùi vị của gạo Campuchia chẳng có gì đặc biệt so với rất nhiều loại gạo “nội” nhưng đặc điểm dễ nhận ra chính là hạt gạo thon, nhỏ; và có lẽ chính do đặc điểm gạo nở mềm, cơm xốp như lời chị T. giới thiệu nên được khách hàng, nhất là các quán ăn chọn mua.


Trưa 14-3, một chủ doanh nghiệp (DN) ở chợ gạo đầu mối Bà Đắc (nằm cặp theo QL1A, thuộc địa bàn xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết một số loại gạo Campuchia như gạo Sa Mơ, Móng Chim, Sóc Miên,… đang được DN này bán với giá từ 9.000 - 16.000 đồng/kg. 

“Giá này không thấp hơn so với nhiều loại gạo trong nước nhưng chúng tôi lại bán rất chạy. Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán ra khoảng 20-30 tấn. Người ta thích ăn gạo này là do gạo thơm, xốp, ngon cơm hơn gạo Việt Nam. Thứ nữa là do đây là gạo lúa mùa, không sử dụng phân thuốc nhiều như những giống ngắn ngày” – chủ DN này kể thêm.

Chị T. kể với chúng tôi rằng chị là dân An Thái Trung, huyện Cái Bè. Do có thâm niên làm gạo cho nội địa “ăn” hơn 20 năm nay nên chị hiểu được thói quen của khách hàng từng vùng, miền. “Thường khách hàng ở các tỉnh phía Bắc thích gạo dẻo, thơm. Còn khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và Nam Trung Bộ thì thích các loại gạo như DN tôi đang bán. Các chủ quán cơm và người dân lao động thích ăn gạo Campuchia do gạo nấu nở, mềm, xốp” – chị T. cho biết. 

"Đối thủ gạo" Campuchia đang đe dọa thị trường gạo Việt Nam.

Vẫn theo lời chị T., tại huyện Cái Bè, tuy là vùng trọng điểm cung cấp rất nhiều loại gạo trong nước nhưng từ khi biết một số DN có cung cấp gạo đặc sản của Campuchia, nhiều người đã tìm đến.

Tôi được chị T. mở một bao gạo với bao bì bên ngoài ghi là gạo Sa Mơ. Thú thật, mùi vị của loại gạo “ngoại” này chẳng có gì đặc biệt so với rất nhiều loại gạo “nội” nhưng đặc điểm dễ nhận ra chính là hạt gạo thon, nhỏ; và có lẽ chính do đặc điểm gạo nở mềm, cơm xốp như lời chị T. giới thiệu nên được khách hàng, nhất là các quán ăn chọn mua.

“Cũng có không ít người sau khi ăn gạo do chúng tôi cung cấp, được hỏi nguyên nhân chọn mua gạo này, cho biết do đây là loại gạo lúa mùa, ít sử dụng thuốc trừ sâu, họ lựa chọn ăn mà cảm thấy an toàn” – chị T. kể thêm.

Theo lời anh H., chồng chị T., những loại gạo này được thu hoạch vào khoảng tháng 11 Âm lịch. “Đây là loại giống lúa mùa, từ lúc trồng cho tới thu hoạch mất 6 tháng, bằng 2 vụ lúa bên mình, năng suất lại không cao (chỉ khoảng 2 – 3 tấn/ha) nên không được số đông nông dân Campuchia chọn trồng. Mà ở bển làm lúa cũng lạ thiệt, từ ngày gieo cấy xuống rồi thì giao cho trời, cho đất, chẳng tốn một hột phân” – anh H. cho biết.

Theo lời giới thiệu của vợ chồng anh H., chúng tôi sang bên kia cầu An Cư, cách đó chừng 200m, ghé vào một DN khác cũng chuyên cung cấp gạo Campuchia. Khi tôi đến, 3 - 4 xe tải mang biển kiểm soát của Ninh Thuận, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh cũng vừa rời bến sau khi “ăn hàng” đầy xe. 

Chị Th. – chủ DN này cũng là người họ hàng với vợ chồng anh H., sau vài câu xã giao với chúng tôi, cho biết mỗi ngày DN chị giao cho bạn hàng khoảng 10 tấn, trung bình mỗi tháng bán khoảng 300-400 tấn, bằng phân nửa lượng gạo bán ra của DN vợ chồng anh H. 

Và cũng giống như bên DN của vợ chồng anh H., vựa của chị Th. cung cấp cho khách hàng 3 loại gạo Campuchia gồm: Sa Mơ, Móng Chim và Sóc Miên. Hỏi lý do sao không kinh doanh cùng lúc nhiều thứ gạo mà chỉ có 3 loại gạo Campuchia, chị Th. cho biết là do “giá lúa gạo Campuchia ổn định, không có chuyện rớt giá nên không sợ bị lỗ. Với lại, thị trường nội địa tiêu thụ gạo này ngày càng nhiều nên cũng yên tâm hơn”.

Khi được hỏi thêm về tên gọi của các loại gạo thể hiện trên bao bì, chị Th. cho biết DN qua Campuchia mua lúa về xay xát bán nên cũng tự đặt in bao bì ghi tên DN và thương hiệu gạo chủ yếu là tên do DN Việt tự đặt. 

“Chẳng hạn gạo Móng Chim (có người gọi là “Nhang Thơm”) người Campuchia gọi là “Gum”; gạo Sa Mơ có tên Campuchia là Sóc Ka - đôn, còn gạo Sóc Miên thì chỉ là “Sóc”. Chữ Miên do thương lái thêm vào để người tiêu dùng dễ nhận dạng đây là gạo có xuất xứ từ Campuchia” – chị Th. tỏ ra rất thành thạo về mặt hàng gạo “ngoại” mà mình đang bán hút hàng.

Thực ra cũng rất khó để phân biệt đâu là gạo Campuchia, đâu là gạo được sản xuất trong nước. Có ý kiến cho rằng việc trộn gạo Campuchia với gạo Việt Nam để bán là điều hoàn toàn có thể vì giá lúa Campuchia dù sao vẫn cao hơn nhiều, nếu không trộn người bán sẽ không thể thu được lãi cao.

“Vấn đề là các DN trong nước nên xem lại việc xây dựng thương hiệu gạo của mình. Vì sao người Việt biết tên, nhớ tên để tìm mua gạo Campuchia mà không mua gạo nội địa trong khi mình ngày càng có nhiều loại gạo ngon” – một chủ DN tại chợ Bà Đắc nói.

Tìm hiểu thêm về chuyện nghịch lý giữa vựa lúa ĐBSCL, mang thắc mắc hỏi ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chúng tôi được biết thực tế nhiều năm qua, có một số người dân Việt Nam sang thuê đất ruộng bên Campuchia để trồng lúa.

“Thường bà con trồng giống lúa mùa – giống lúa mà bên mình không có. Do đồng ruộng bên Campuchia còn khá màu mỡ nên nhiều loại lúa được trồng ít sử dụng phân, thuốc. Lượng lúa gạo này được thu mua mang về Việt Nam không đáng kể” – ông Kiên cho biết thêm.

Về xu hướng thị hiếu khách hàng Việt, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo, cho biết có một bộ phận không nhỏ người dân mình đang ăn gạo Campuchia bởi vì đó là gạo lúa mùa, loại lúa ít sử dụng thuốc trừ sâu nên “sạch” hơn, an toàn hơn lúa cao sản. Nhiều cán bộ ở các tỉnh giáp với Campuchia từng nói với ông rằng đã chọn gạo lúa mùa của Thái Lan và Campuchia vì lý do an toàn. “Từ chuyện này chúng ta mới thấy tầm quan trọng của việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP”.
Thái Bình
.
.
.