Đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ: Mạo hiểm nhưng dũng cảm

Thứ Sáu, 02/08/2019, 08:23
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways bày tỏ sự quyết tâm sẽ là hãng hàng không tiên phong mở đường bay thẳng Việt Nam đi Mỹ.

Chiều 1-8, tại buổi Tọa đàm "Bay thẳng Việt-Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" do Bamboo Airways tổ chức với sự phối hợp của Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways bày tỏ sự quyết tâm sẽ là hãng hàng không tiên phong mở đường bay thẳng Việt Nam đi Mỹ. Ông Quyết cũng đưa ra một ước tính sơ bộ cho chi phí một chuyến bay đi Mỹ và nhấn mạnh sẽ không lỗ trong điều kiện giá vé hợp lý và lượng khách ổn định.

Có thể lãi tới 28 tỷ đồng/chuyến bay khứ hồi

Tại buổi Tọa đàm, ông Trịnh Văn Quyết đặt thẳng vấn đề: Tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ? Rất nhiều người cho là không khả thi, thậm chí là có phần “chém gió”. 

Theo ông Quyết, dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu, nước Singapore chỉ là 5,8 triệu và hãng hàng không Singapore Airlines thì đang đi “vợt khách” trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. 

“Trong khi đó, nguyên số người gốc Việt ở Mỹ đã bằng nửa dân số Singapore... Chính vì vậy, không có lý do gì nói rằng thị trường Mỹ không có tiềm năng”, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định. 

Về số liệu chi phí cho một chuyến bay đi Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn FLC đề cập một vài ước tính sơ bộ để có thể "yên tâm rằng bay sẽ không lỗ": Giả sử Bamboo Airways phải thuê một máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, nếu thuê máy bay khoảng 1 triệu USD/tháng (khoảng 23 tỷ đồng), chi phí nguyên tiền xăng dầu khoảng 61 tỷ đồng/tháng. Một tháng bay được 17 ngày, mỗi chuyến bay thông thường 15 tiếng, nếu bay vào mùa Đông ngược gió thành 17 tiếng. 

Chi phí kỹ thuật 16 tỷ đồng, chi phí dịch vụ mặt đất 1 tỷ đồng, chi phí khác 6 tỷ đồng... Tính chung cho một tàu bay 787-9 khai thác sẽ rơi vào con số 103 tỷ đồng/tháng. 

Về thu, tuy máy bay 787-9 có 310 ghế, song Bamboo Airways sẽ phải giảm đi để có thêm ghế hạng thương gia. Nếu giả sử bán vé 1.100 USD với 240 khách khứ hồi, số tiền thu về ước tính khoảng 116,3 tỷ đồng. 

“Như vậy, nếu tính chi phí bỏ ra và thu về, số lỗ cho chuyến bay đi Mỹ khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu bán vé tăng lên mức 1.300 USD vé khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỷ. Như vậy, việc lỗ hay lãi hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé”, ông Quyết tính toán. Nếu thuê A350, số ghế 240 khách, bán giá vé 1.300 USD thì hãng sẽ lãi 28 tỷ đồng/chuyến bay khứ hồi.

Trả lời câu hỏi có rủi ro hay không khi bay thẳng, ông Quyết cho hay: “Rủi ro có thể là hành khách không thể lấp đầy. Trường hợp này, thay vì bay 17 chuyến mỗi tháng, Bamboo có thể tính giảm số chuyến bay còn một nửa”.

Bamboo Airways đang có dự định mở đường bay đến Mỹ.

Hãng nào tiên phong sẽ khẳng định được đẳng cấp

Nêu quan điểm về việc Bamboo Airways mở đường bay thẳng Việt-Mỹ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng các hãng hàng không sẽ thực hiện được giấc mơ bay thẳng Mỹ. 

Nếu Bamboo Airways mở đường bay thẳng sang Mỹ là sự dũng cảm và hy sinh của mình cho vị thế đất nước, đáp ứng mong muốn của dân Việt. Tuy nhiên, giấc mơ này có hai màu sáng-tối, nên phải cố gắng làm sao để màu sáng nhiều hơn. 

Ông Lộc cho biết, trước đây, đã có hai người “khổng lồ” hàng không của Mỹ (Delta và United Airlines) đã bỏ cuộc khi mở chặng bay thẳng Mỹ-Việt nên quyết định của Bamboo Airways rất dũng cảm. FLC cần có bài toán kinh tế tổng hợp để có lãi, các hoạt động khác phải hỗ trợ. Ngoài ra, việc thành công với đường bay thẳng, uy tín của Tập đoàn sẽ tăng lên và thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn. 

Trong khi đó, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc thiết lập đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ mang tính thương mại thuần túy còn thể hiện năng lực của hãng hàng không cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước. 

“Thị trường vận tải hàng không đến Mỹ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700.000 lượt hành khách, tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm”, ông Cường đưa ra minh chứng.

Đề cập Việt Nam và Hoa Kỳ không còn vướng mắc gì về cơ sở pháp lý để xin phép mở đường bay, theo ông Cường, để thực hiện “giấc mơ bay” thẳng phải nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật khai thác máy bay. 

Từ đó, vị Phó Cục trưởng Cục Hàng không khuyến cáo, các hãng phải cân nhắc nếu khai thác có điểm dừng đón khách tại nước thứ 3 thì dễ thở hơn. Nếu bay Non-stop (bay không có điểm dừng trung gian) sẽ có những khó khăn nhất định đòi hỏi phải chọn lựa máy bay và đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực giám sát an toàn máy bay. 

“Khi hàng không phát triển sẽ dựa trên nền kinh tế và chính trị ổn định. Bay đến Hoa Kỳ thì vị thế Việt Nam được nâng lên nhiều, hãng nào tiên phong bay đến sẽ khẳng định được đẳng cấp của mình”, ông Cường đánh giá.

Phạm Huyền
.
.
.