Đưa kho hàng hóa ra ngoài để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Năm, 20/02/2020, 07:27
Việc tính toán đưa kho hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ra khỏi khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để góp phần giảm tải cho sân bay này là vấn đề cấp thiết.

Sớm nhất cũng phải 5 năm nữa, sân bay Long Thành mới có thể đưa vào khai thác. Điều đó cũng có nghĩa, Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không của khu vực phía Nam. Do đó việc tính toán đưa kho hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ra khỏi khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để góp phần giảm tải cho sân bay này là vấn đề cấp thiết.

Năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 40 triệu hành khách, trong khi năng lực phục vụ theo thiết kế chỉ là 25 triệu khách/năm. Để đảm bảo giao thông ra vào khu vực sân bay, từ nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ phản ứng nhanh tham gia điều tiết phương tiện, giải tỏa ùn tắc giao thông và xử lý sự cố về hạ tầng, tai nạn giao thông.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT thành phố, để đảm bảo giao thông cho khu vực sân bay, năm nay, Sở GTVT đặt mục tiêu khởi công các dự án như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến nút giao với đường Phạm Văn Bạch. 

Đặc biệt là việc đẩy nhanh thủ tục để tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường Phan Thúc Duyện nối dài để phục vụ việc xây dựng nhà ga T3 trong sân bay và giảm tải lưu lượng phương tiện cho các tuyến xung quanh sân bay.

Nhằm giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất khi toàn bộ việc khai thác hàng hóa, hành khách đều tập trung vào trục đường Trường Sơn cũng như tăng cường vận chuyển hàng hóa XNK, giao thương hàng hóa trong nước bằng đường hàng không, ngay từ tháng 7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về phê duyệt phát triển trung tâm logistics của cả nước. 

Trong đó giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng 3 trung tâm logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại các cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, ngay sau quyết định trên, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng các trung tâm logistics này. 

Cùng lúc, Bộ GTVT cũng hoàn thành các quy chế, hành lang pháp lý về xây dựng cảng cạn, gồm cả khu vực logistics. Nhưng đến nay, trung tâm logistics tại Tân Sơn Nhất vẫn chưa thấy đâu dù hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không những năm qua đã có đến 17 hãng hàng không nước ngoài chuyên khai thác hàng hóa từ các tuyến quốc tế đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. 

Ngoài ra, các hãng hàng không chuyên chở khách nội địa và quốc tế đến các sân bay này đều dành một lượng tải cố định để kết hợp vận chuyển hàng hóa trên các chuyến bay chở khách. Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày đã có 300 chuyến bay quốc tế xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. TP Hồ Chí Minh cũng đã có đến 50 ngàn DN trong nước và hàng ngàn DN FDI thường xuyên có hoạt động XNK. 

Do đó, tăng trưởng vận tải hàng hóa bằng đường không tại sân bay này những năm qua luôn đạt 2 con số với sản lượng khai thác hàng hóa đã đạt cả triệu tấn mỗi năm. Đó là chưa kể lượng hàng hóa rất lớn được vận chuyển trên các chuyến bay nội địa. 

Hàng hóa tập trung về Tân Sơn Nhất, hàng ngày ngoài lượng xe chở khách ra vào sân bay, trên tuyến đường Trường Sơn còn có một lượng rất lớn xe tải, xe hơi, xe máy của người dân, DN đến giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa từ các chuyến bay nội địa.

Máy bay chờ xếp hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Để đẩy mạnh khai thác vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, ngay từ cách nay hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa của DN trong nước. 

Sau quyết định này, Cục Hàng không cũng đã triển khai cho các hãng hàng không trong nước triển khai lập đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa và khuyến khích các nhà đầu tư lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa. 

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2009, Bộ GTVT đã cấp phép vận chuyển hàng hóa cho hãng hàng không Trãi Thiên. Nhưng chỉ 2 năm sau, hãng hàng không này đã bị hủy giấy phép do không thể hoạt động. 

Đến năm 2015, hãng hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt cũng đề nghị cấp phép hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng, nhưng do chưa đáp ứng điều kiện nên không được cấp phép. 

Trong khi đó các hãng hàng không trong nước do hạn chế về nguồn lực và năng lực cạnh tranh vận chuyển hàng hóa quốc tế nên cũng chưa thể phát triển được các đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa. 

Trước tình hình này, Bộ GTVT đã phải tiếp tục điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 sẽ thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa. Theo đó, quan điểm của Bộ GTVT là không thành lập hãng hàng không 100% vốn Nhà nước để khai thác vận chuyển hàng hóa mà sẽ huy động nguồn lực xã hội cho việc này.

Về thành lập cảng hàng hóa ngoài ranh giới cảng hàng không, Theo Bộ GTVT, việc này thực tế từ lâu đã được triển khai. Cụ thể Công ty CP Logstics hàng không đã được phép thành lập các kho hàng kéo dài tại Thái Nguyên, Bắc Ninh để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của hãng Samsung. 

Các kho hàng hóa này được bố trí hải quan và an ninh hàng không tại chỗ, thực hiện các quy trình thủ tục về hải quan, an ninh hàng không trực tiếp tại kho hàng. Hàng hóa sau đó được kẹp chì, vận chuyển trực tiếp đến cảng hàng không, đưa vào khu bay để xếp lên tàu bay mà không cần phải làm lại thủ tục hải quan, an ninh hàng không tại ga hàng hóa của sân bay Nội Bài. 

Góp ý về việc sớm lập các cảng cạn phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ngoài khu vực sân bay, chuyên gia giao thông Mai Trọng Tuấn cho rằng việc này sẽ tránh nạn độc quyền, xin cho về tỉ trọng hàng hóa và giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không do gần như nằm trong tay một nhóm người đặc quyền như lâu nay vẫn đang xảy ra. 

Đồng thời khắc phục tình trạng sân bay quá tải vì phải dành chỗ cho tập kết hàng hóa, kho bãi trong khi số lượng máy bay hoạt động ngày càng tăng. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các DN sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng tươi sống như thủy, hải sản hoặc các sản phẩm từ nông nghiệp. 

Theo đánh giá của Bộ GTVT, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vẫn tiếp tục tăng trên 10%/năm, nên việc quy hoạch các cảng hàng hóa và thành lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa là cần thiết. 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, sân bay Long Thành ít nhất cũng phải 5 năm nữa mới có thể đưa vào khai thác. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn giữ vai trò chủ lực trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không của khu vực phía Nam ít nhất 5 năm nữa. 

Do đó việc tính toán đưa kho hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ra khỏi khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để góp phần giảm tải cho sân bay này là vấn đề cấp thiết cần được Bộ GTVT đặt ra hiện nay.

Đ.Thắng
.
.
.