Doanh nghiệp vận tải “ngồi trên đống lửa”
- Doanh nghiệp vận tải lao đao, nhân viên thất nghiệp
- Doanh nghiệp vận tải Quảng Nam ký cam kết tuân thủ Luật Giao thông đường bộ
- Ảnh hưởng từ dịch COVID-19: Doanh nghiệp vận tải chật vật duy trì hoạt động
Doanh nghiệp “thoi thóp”
Ngày 16/6, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phải cho một số nhân viên nghỉ việc vì không thể “trụ” được nữa. Trung bình mỗi tháng, lương trả cho nhân viên, người lao động của công ty chiếm tới 35-40% thu nhập của đơn vị. Thế nhưng gần đây, tổng thu của đơn vị chưa tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 2 đến nay, lượng khách qua các bến của công ty (bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình) sụt giảm nghiêm trọng.
Tất cả các tháng từ đầu năm đến nay, sản lượng đều không đạt so với kế hoạch đưa ra. Cụ thể, tháng 2/2021 chỉ đạt 59% kế hoạch, tháng 3 đạt 84% kế hoạch, tháng 5 đạt 46% kế hoạch. Tháng 6 này, tình hình còn thê thảm hơn chỉ khoảng 30% kế hoạch. Tuy nhiên, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải khách, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã thực hiện không thu tiền toàn bộ các “lốt” xe mà doanh nghiệp không chạy. Đồng thời, đề nghị các Sở GTVT địa phương không thực hiện xử phạt hay thu hồi đối với doanh nghiệp không chạy đủ 70% số lốt đã đăng ký...
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà xe trong tình trạng “đắp chiếu” phương tiện. |
Đơn vị quản lý bến lo một thì nhiều doanh nghiệp vận tải đang lo mười. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho hay, doanh nghiệp có gần 100 xe chở khách, bao gồm xe chạy tuyến cố định liên tỉnh và chở khách theo hợp đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ cầm chừng, nhất là từ tháng 5 đến nay, doanh nghiệp gần như dừng hoạt động, hiện chỉ còn 5 xe chạy túc tắc. Doanh nghiệp phải để nhân viên làm việc luân phiên vì cũng không dám cho người lao động nghỉ việc.
Trước khi có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe Sao Việt chi khoảng 3 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên thì nay, dù không có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải gánh gần 1 tỷ đồng/tháng.
“Doanh nghiệp còn phải chịu nhiều khoản thuế phí; tiền vay ngân hàng vẫn phải thanh toán đúng kỳ đúng hạn, tiền thuê nhà xưởng kho bãi... Chúng tôi cũng không biết có thể cầm cự được đến bao giờ và không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc” - ông Bằng lo ngại.
Cũng trong cảnh tương tự, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội than: “Đầu năm thì xảy ra đợt dịch kéo dài ở Hải Dương, chúng tôi đã phải tạm dừng gần như toàn bộ hoạt động và từ tháng 4 đến nay lại có đợt dịch kéo dài ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp đang "đóng băng". Toàn bộ hơn 100 xe khách chạy liên tỉnh và xe buýt kế cận "đắp chiếu", gửi ở đầu các địa phương. Trong khi đó, số lượng lái xe, nhân viên của công ty lên đến gần 400 người, ngoại trừ một số đang bị cách ly ở địa phương thì số còn lại phải làm việc luân phiên và hưởng lương kiểu trợ cấp.
Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, thời gian qua lượng xe khách hoạt động chỉ đạt 40-50% so với trước dịch, vận tải taxi còn thảm hơn với 20%. Trong khi một số chi phí cho xe hoạt động tăng, lượng khách được phép chở bị khống chế dưới 50%, các đơn vị vận tải khách đều đang chịu thua lỗ nặng nề. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn.
Theo ông Quyền, một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Đơn cử, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, vì cho rằng nếu giảm phí thì Bộ Tài chính cần có các cơ chế chính sách đối với nhà đầu tư...
Cũng theo ông Quyền, Chính phủ cũng cần có quy định giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ôtô về 0% trong cả năm 2021. Lý do hiện nay các doanh nghiệp vận tải ôtô hầu hết đang thua lỗ trầm trọng. Các ngân hàng tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng cần cho phép tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ lần I và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ lần II, vì từ năm 2020 đến nay xe taxi hoạt động trong ngày chỉ bằng 20% so với trước dịch.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra nhận định: Hiện nay mỗi chuyến xe doanh nghiệp vận tải đang phải chịu rất nhiều chi phí. Tất cả đều tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Doanh thu mỗi chuyến hàng, chuyến xe hiện chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực… dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải ngày càng gặp nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên đó chưa phải là nỗi lo lớn của ngành vận tải, mà điều đáng lo là khi vận tải phục hồi, sẽ không có đủ nhân lực để tham gia sản xuất”.
Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa. Hy vọng, với những chính sách hỗ trợ sắp tới, các doanh nghiệp vận tải sẽ bớt cảnh “ngồi trên đống lửa”.