Doanh nghiệp tư nhân cần sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực

Chủ Nhật, 14/05/2017, 09:50
Bàn luận về những động lực cho kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.

Vào ngày 17-5 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.500 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp tư nhân.

Cuộc đối thoại này diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, trong đó Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách đã mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế tư nhân.

Bàn luận về những động lực cho kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.

PV: Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Theo ông, ngoài những thuận lợi, kinh tế tư nhân hiện nay đang gặp khó khăn gì?

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: Kể từ khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, văn bản pháp lý cao nhất chính thức khai mở cho kinh tế tư nhân hoạt động, kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

Đến nay, chúng ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 4 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp hợp thành kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, 30% xuất khẩu của cả nước. Tổng doanh thu của doanh nghiệp tư nhân năm 2015 đạt 15,5 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân là chưa được bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài nguyên, lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin, chính sách ưu đãi). Có tiếp cận được nguồn lực một cách bình đẳng thì doanh nghiệp tư nhân mới phát triển được. Giải pháp này đã được ghi trong nhiều Nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước và đã nói nhiều nhưng tổ chức thực hiện rất chậm.

Các cơ quan nhà nước đang chuyển mạnh từ quản lý sang kiến tạo phát triển. Nhưng hiện nay, cấp cao thực hiện càng rốt ráo, ngược lại cấp cơ sở chưa có chuyển biến đáng kể ứng xử với doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước khi làm việc với doanh nghiệp tư nhân vẫn là câu hỏi: “Giấy phép đâu?”; “Thực hiện có đúng quy trình không?”; “Đã qua đào tạo chưa?”… Hải quan và thuế vụ vẫn coi doanh nghiệp tư nhân là đối tượng phải quản lý theo cách “một người sốt bắt cả làng uống thuốc”, chưa đồng hành cùng với họ. Hiện tượng có những công chức gây phiền hà, sách nhiễu thậm chí đòi hối lộ mới giải quyết việc.

PV: Thực tế hiện nay thì doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ quá lớn, nhiều doanh nghiệp lại không muốn lớn. Theo ông Nhà nước cần làm gì để doanh nghiệp tư nhân phát triển cả số lượng và quy mô?

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: Trước hết Nhà nước tạo sân chơi thực sự bình đẳng trong kinh doanh. Nhà nước phải bảo vệ doanh nhân tư nhân sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Quyền tài sản của họ không bị hạn chế theo pháp luật. Trong vấn đề này có vai trò của các hiệp hội xã hội – nghề nghiệp. Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ.

Khắc phục “chính sách trên trời cuộc đời dưới đất” chính sách phải xuất phát từ thực tiễn và được thực tiễn chấp nhận. Thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và tổ chức thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh việc cải thiện môi trường chung cho đầu tư, kinh doanh, Nhà nước khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách hỗ trợ phát triển, chủ yếu trên mấy lĩnh vực: Giúp đỡ việc tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh bằng chính sách đất đai và các điều kiện về kết cấu hạ tầng; vay vốn tín dụng; ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ thông tin, tiếp thị; áp dụng các chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực, ngành nghề cần khuyến khích; xúc tiến mạnh việc xoá bao cấp, giảm bảo hộ, kiểm soát độc quyền kinh doanh, tạo ra sức ép rất mạnh thúc đẩy doanh nghiệp phải vươn lên nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính phủ cần ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thay vì chú trọng đến việc hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị (phần cứng).

Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng thời cơ CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, tạo nên làn sóng khởi nghiệp công nghệ cao đón đầu xu hướng phát triển tiên tiến.

Quản lý nhà nước phải theo kịp sự phát triển của CMCN 4.0, không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao thay thế các giá trị truyền thống như lao động, tài nguyên.

Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước chỉ nắm những doanh nghiệp nhà nước phục vụ cho an ninh, quốc phòng, độc quyền nhà nước, những lĩnh vực mà tư nhân không thể làm được hoặc không muốn làm.

Chống độc quyền và kiểm soát liên minh kinh tế đang hạn chế cạnh tranh lành mạnh và tự do cạnh tranh, loại bỏ quan hệ thân hữu… chính là tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa tồn tại và phát triển.

Cải cách hành chính theo chủ trương xây dựng Chính phủ, chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần tháo gỡ nút thắt nêu trên.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều.

PV: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng có không ít doanh nghiệp tư nhân làm ăn chộp giật, gây mất uy tín cho toàn khu vực kinh tế tư nhân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: Với doanh nghiệp vi phạm cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để xử lý. Nhưng phòng ngừa, phát hiện sớm những dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm ăn chộp giật còn quan trọng hơn sử dụng biện pháp chế tài.

Thông qua giám sát của khách hàng, đối tác, ngân hàng, trong nội bộ doanh nghiệp, trước hết là cổ đông giúp phát hiện sớm những sai sót, vi phạm pháp luật, từ đó kịp thời khắc phục.

Minh bạch trong sản xuất kinh doanh là bài thuốc hữu hiệu để thực hiện giám sát. Hình thức công ty minh bạch nhất là công ty cổ phần, Theo đó, thúc đẩy phát triển mạnh công ty cổ phần có sở hữu hỗn hợp vì đây là hình thức sở hữu đa dạng, có cổ đông góp vốn rộng khắp, minh bạch trong quản trị công ty, được giám sát chặt chẽ, huy động vốn theo nguyên chất thị trường. Các công ty cổ phần là công ty đại chúng chưa niêm yết thực hiện giao dịch trên sàn Upcom là những công ty đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa thông tin rộng rãi.

PV: Vào ngày 17-5 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.500 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp tư nhân. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: Thành phần doanh nghiệp tư nhân được mời nhiều hơn cũng là phù hợp với tình hình chung về tỉ lệ doanh nghiệp, cũng như mục tiêu đã đề ra về phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân theo chủ trương, chính sách mới của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Đây là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong quá trình khởi nghiệp, phát triển.

Đối với doanh nghiệp, cuộc đối thoại lần này là cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp được trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương những nhận xét, đánh giá một cách xây dựng về môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là từ khi có Nghị quyết 35 năm 2016 và Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ. Không chỉ dừng lại đó, các doanh nhân, doanh nghiệp còn mạnh dạn hiến kế cho Chính phủ xây dựng thể chế thuận lợi hơn cho đầu tư, kinh doanh.

Hơn ai hết, các doanh nhân là những người thấy rõ nhất những quy định thiếu hợp lý, chưa sát thực tế, không được cuộc sống chấp nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Vì vậy, Hội nghị là cơ hội để họ trực tiếp nêu những quy định, những thủ tục hành chính không đúng, không còn phù hợp, đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần được bãi bỏ; kiến nghị những quy định mới đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Đồng thời thông tin kịp thời tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những việc làm chưa đúng quy định của pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.