Doanh nghiệp tìm cách “sống chung” với COVID-19

Thứ Hai, 17/08/2020, 07:26
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên thế giới trong đó có Việt Nam đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế. Chưa bao giờ các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức như hiện nay. Trong lúc chưa có thuốc đặc trị COVID-19, việc “sống chung” với loại dịch bệnh này là vấn đề mà các doanh nghiệp buộc phải tính tới, thích nghi để phát triển.

Đợt dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta hồi đầu năm nay đã khiến các doanh nghiệp đối diện với hàng loạt khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ, sản xuất bị đình trệ. Thời điểm đó, hàng hóa làm ra ế ẩm, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh nông sản tại Lâm Đồng phải đổ bỏ sản phẩm vì không thể tiêu thụ được.

Trong lúc các doanh nghiệp đang nỗ lực vực dậy sản xuất, khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường thì đợt dịch COVID-19 thứ hai xuất hiện và đang có những dấu hiệu lan rộng, diễn biến hết sức phức tạp. Các doanh nghiệp tiếp tục phải đối diện với những khó khăn, thách thức mới.

Khách du lịch tham quan một trang trại nấm ở Đà Lạt.

“Phải thay đổi mô hình sản xuất, kênh tiêu thụ, lúc nào cũng phải chuẩn bị tâm lý đang sống chung với dịch bệnh COVID-19 thì mới tồn tại được!..”, ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc một công ty sản xuất rau sạch tại phường 8, TP Đà Lạt nói.

Đợt dịch hồi đầu năm, khi cả nước thực hiện việc cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hàng quán đóng cửa, sản phẩm không lưu thông, không tiêu thụ được đã khiến doanh nghiệp của ông Bảo phải đổ bỏ hơn 10 tấn rau sạch, sản xuất bị đình trệ hoàn toàn.

Đợt dịch đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua đó cũng đã giúp ông giám đốc Nguyễn Văn Bảo chuẩn bị kỹ hơn các phương án sản xuất, tiêu thụ trong tình huống tiếp tục xảy ra dịch bệnh COVID-19 trên diện rộng. Chính vì vậy, trong đợt dịch thứ hai này, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở công ty của ông Bảo vẫn được đảm bảo. Hiện nay mọi hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.

“Trước đây, chúng tôi chỉ phân phối sản phẩm vào các nhà hàng lớn tại TP Hồ Chí Minh và dành một phần xuất khẩu sang Campuchia. Khi cửa khẩu qua biên giới hai nước bị phong tỏa để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thì sản phẩm không thể xuất đi được. Hệ thống tiêu thụ duy nhất còn lại là các nhà hàng, khách sạn lớn trong nước không hoạt động thì sản phẩm chỉ còn cách đổ bỏ!.. Đợt dịch bệnh lần trước chúng tôi thiệt hại rất lớn... nhưng công ty đã đúc rút được kinh nghiệm qua đợt dịch!..”, ông Bảo cho biết.

Qua đợt dịch, một bài học đã được ông Bảo và cộng sự rút ra là phải mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, trong đó coi trọng các kênh bán lẻ, phân phối sản phẩm rộng khắp, không chỉ bỏ mối cho các điểm kinh doanh nông sản, tiêu thụ với số lượng lớn như trước đây mà còn mở rộng việc bán trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng qua kênh bán hàng online.

“Ngoài ra, việc bố trí công nhân sản xuất phù hợp, tiết kiệm được công lao động, chi phí sản xuất... cũng phải được tính toán kỹ hơn trước đây. Chúng tôi đã tính tới những kịch bản xấu nhất do dịch bệnh COVID-19 gây ra tác động tới thị trường để duy trì sản xuất. Sống chung với loại dịch bệnh này là điều công ty đã tính tới ở thời điểm hiện nay!..”, ông Nguyễn Văn Bảo cho biết.

Từ khi phát hiện những ca bệnh COVID-19 tại TP Đà Nẵng và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, lượng khách đổ lên Đà Lạt giảm đột ngột và trở nên vắng tanh vào những tuần sau đó. Một lượng lớn sản phẩm tiêu thụ qua kênh bán hàng trực tiếp cho du khách tới tham quan tại các gia đình, doanh nghiệp bị mất.

Trước tình hình trên, không ít cá nhân, doanh nghiệp tại TP Đà Lạt đã xây dựng các kênh bán hàng online, hằng ngày giao cho nhân viên phụ trách kênh bán hàng này để kịp thời kết nối với người tiêu dùng, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, mặc dù không bán hàng trực tiếp cho du khách tới tham quan như trước đây nhưng sản phẩm vẫn làm ra được tiêu thụ đều đặn.

Thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch. Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, chỉ tính riêng việc du khách hủy phòng sau khi tái xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng, đến nay Đà Lạt có khoảng 18.300 phòng nghỉ đã được du khách đặt trước đó bị hủy, tương đương với 36.532 đêm. Ước doanh thu lĩnh vực lưu trú thiệt hại do bị hủy phòng khoảng 26 tỷ đồng.

Để vực dậy ngành du lịch trong dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết, bên cạnh việc chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở đang triển khai kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; Xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá điểm đến nhằm phục hồi ngành du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cơ cấu lại thị trường khách, tập trung thu hút thị trường khách tiềm năng. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng còn tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm thu hút khách đến Đà Lạt. Mở rộng liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

“Chúng tôi cũng tiếp tục kiến nghị với Trung ương có chính sách hỗ trợ miễn, giảm và giãn các loại thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục hoạt động kinh doanh, xem xét giảm tiền điện, nước đến hết năm 2020...”, bà Ngọc nói.

Khắc Lịch
.
.
.