Doanh nghiệp thủy điện “oằn mình” gánh thuế

Thứ Tư, 19/10/2016, 10:43
Mặc dù bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một mức giá nhưng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Lào Cai nói riêng và trên cả nước nói chung lại bị tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên theo mức giá bán điện thương phẩm bình quân do Bộ Tài chính công bố với sự chênh lệch không hề nhỏ trong nhiều năm qua.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có kết luận ngày 13-10 “tuýt còi” Quyết định số 567/QĐ-BTC ngày 26-3-2015 về việc công bố giá điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên của Bộ Tài chính chưa có cơ sở pháp lý đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính bãi bỏ những nội dung trái pháp luật, rà soát quá trình thực hiện để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật của quyết định này gây ra. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong rất nhiều quyết định mà Bộ Tài chính công bố trong những năm vừa qua.

Giá tính thuế chênh từ 1,5 đến 2 lần

Nhà máy thủy điện Nậm Khóa 3, xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn của Công ty CP Linh Linh chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2010. 

Theo bà Lương Thị Lợi, Giám đốc Công ty CP Linh Linh thì một trong những vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp nhiều năm qua chính là việc tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện theo quy định hiện hành là chưa phù hợp với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. 

Một nhà máy thủy điện ở Lào Cai.

Lý giải về vấn đề này, bà Lợi dẫn ra, giá bán điện bình quân thực tế theo các năm 2010, 2011, 2012, 2013 và 2014 mà nhà máy bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tương ứng là: 737 đồng/Kwh, 827 đồng/Kwh, 946 đồng/Kwh, 991 đồng/Kwh và 984 đồng/Kwh. 

Trong khi đó, giá điện thương phẩm bình quân để tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên sản xuất thủy điện đối với các cơ sở sản xuất thủy điện do Bộ Tài chính công bố theo các quyết định từ năm 2010 đến 2014 lại chênh lệch theo các mức tương ứng: 970 đồng/Kwh (từ tháng 1-2010 đến tháng 3-2010), 1.058 đồng/Kwh (từ tháng 3 đến tháng 12-2010), 1.061 đồng/Kwh (từ tháng 1 đến tháng 2-2011), 1.242 đồng/Kwh (từ tháng 3 đến tháng 12-2011), 1.304 đồng/Kwh (từ 20-12-2011), 1.369 đồng/Kwh (từ 1-7-2012), 1.437 đồng/Kwh (từ ngày 22-12-2012) và 1.508,85 đồng/Kwh (từ ngày 1-8-2013). 

Như vậy, tổng thuế mà Công ty CP Linh Linh phải nộp theo mức giá bán điện thương phẩm bình quân mà Bộ Tài chính công bố từ năm 2010 đến năm 2013 là hơn 6,3 tỷ đồng trong khi tổng thuế nộp theo doanh thu chỉ là hơn 4,2 tỷ đồng. Mức chênh lệch lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Lào Cai, chủ đầu tư 2 nhà máy thủy điện Ngòi Đường 1 và Ngòi Đường 2, huyện Văn Bàn, Lào Cai cũng phản ánh, mức chênh lệch giữa cách tính thuế tài nguyên theo doanh thu thực tế của 2 nhà máy so với cách tính thuế tài nguyên phải nộp theo mức giá điện thương phẩm bình quân mà Bộ Tài chính công bố hằng năm là khá lớn và ngày càng tăng. 

Năm 2008, mức chênh lệch là hơn 73 triệu đồng, năm 2009 là hơn 153 triệu đồng, năm 2010 là hơn 191 triệu đồng, năm 2011 là hơn 378 triệu đồng, năm 2012 là hơn 569 triệu đồng, năm 2013 là hơn 666 triệu đồng và năm 2014, con số này lên đến hơn 1,5 tỷ đồng. 

“Cách tính này thực sự gây bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực thủy điện. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, chi phí vốn lớn”, ông Trung cho biết.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 71 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong đó 34 nhà máy đã phát điện. Trước việc Bộ Tài chính công bố giá bán điện thương phẩm áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên nước thủy điện cao hơn giá bán điện thực tế của các nhà máy hiện nay đang bán cho ngành điện khiến mức chênh lệch cao giá từ 1,5 đến 2 lần, trong những năm qua, cùng với các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đã liên tục có các văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng cục Thuế.

Bộ Tư pháp “tuýt còi” văn bản của Bộ Tài chính

Căn cứ Điều 6, Luật Thuế tài nguyên và Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chỉ có thẩm quyền quy định việc xác định giá tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện chứ không được giao thẩm quyền công bố giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên. 

Như vậy, việc xác định giá tính thuế tài nguyên không đồng nhất với việc công bố giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên. Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn giá bán điện thương phẩm bình quân, cách thức xác định.

Tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp ngày 17-10, bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Cục phó Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thừa nhận, liên quan đến việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 567/QĐ-BTC ngày 26-3-2015 về việc công bố giá điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên, cùng với việc nhận được đơn của Công ty Linh Linh gửi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét tính hợp pháp của Quyết định số 567/QĐ-BTC, ngày 14-9 vừa qua, Cục đã tiến hành kiểm tra và để có thêm cơ sở xem xét, kết luận về tính hợp pháp của quyết định này, Cục đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện một số đơn vị có liên quan: Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế- Bộ Tài chính; Cục Điều tiết điện lực- Bộ Công Thương; Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế - Bộ Tư pháp. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến tại cuộc họp, ngày 3-10, Cục đã có Kết luận kiểm tra văn bản đối với Quyết định số 567/QĐ-BTC. 

Kết luận nêu rõ việc ban hành Quyết định số 567/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên sản xuất thủy điện là chưa có cơ sở pháp lý; không đảm bảo sự tương thích giữa các hình thức văn bản với nội dung văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Theo đó, Cục đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý, bãi bỏ những nội dung trái pháp luật tại Quyết định số 567/QĐ-BTC và rà soát quá trình thực hiện để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật của Quyết định gây ra (nếu có), đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật. 

Hiện nay, với thẩm quyền của mình, Cục đang trong quá trình theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản này của Bộ Tài chính theo Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý văn bản cho Bộ Tư pháp theo quy định của Chính phủ. Cũng căn cứ quy định của Luật Bồi thường Nhà nước và Nghị định 34/2016/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp bị thiệt hại thì sẽ được thực hiện các quyền lợi của mình.

Rõ ràng, việc tính thuế theo Quyết định 567/QĐ-BTC nói riêng và các quyết định từ nhiều năm qua của Bộ Tài chính về công bố giá điện thương phẩm bình quân đã khiến các doanh nghiệp phải nộp thuế cao hơn gấp nhiều lần so với căn cứ vào giá điện họ bán ra cho EVN.

Hương Mai
.
.
.