Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị đối xử bất bình đẳng?

Thứ Bảy, 04/06/2016, 07:00
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo phân tích “Chính sách Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Tầm nhìn và Hành động” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức sáng 3-6. 

Câu chuyện bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 1 lần nữa đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý phải thay đổi, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới đang đặt các DN này đứng trước một sức ép về cạnh tranh rất lớn.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Chuyên gia tại Bộ Tư pháp cho rằng câu nói “trên rải thảm, dưới rải đinh” nghe có vẻ chua chát, nhưng không hoàn toàn sai, thậm chí nó đã lột tả chính xác được những bất bình đẳng mà các DNNVV đang phải chịu khi tham gia vào cộng đồng DN Việt Nam.

“Đinh có mặt ở khắp nơi,  từ trong các thể chế - các văn bản quy phạm pháp luật, cho đến trong tổ chức thực hiện, trong hành vi cụ thể, kể cả trong các quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền”- TS Sơn nhận định.

DNNVV cần được tạo điều kiện để phát triển.  Ảnh: Vccinews.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Sơn dẫn các ví dụ để “nhận diện” các loại đinh. Với văn bản pháp luật, “đinh” nằm chủ yếu ở các thông tư - văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, cá biệt có trong một số quy định của Chính phủ, và “đinh” trong các văn bản của địa phương.

Ví dụ, cuối năm 2015, tỉnh Quảng Ninh ban hành 2 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long như rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy 5 năm - 10 năm; quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú; phải có thiết bị tự động báo cháy ở tất cả các buồng của tàu.

Như vậy, phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước và điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động. “Những quy định này đã bức tử các DN đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1.000 lao động sẽ mất việc làm, vi phạm 1 loạt các Luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy. Cũng có thể nói, vi phạm Điều 14, Điều 33 Hiến pháp 2013”- TS Sơn cho biết.

Đáng buồn đây không phải là trường hợp cá biệt, vì câu chuyện “bia tỉnh ta xi măng tỉnh ta” là 1 ví dụ, và nó cho thấy chính các địa phương đang tạo sân chơi bất bình đẳng, gây khó cho DN ngoại tỉnh. Hay một hiện tượng khác đó là địa phương không cho điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong dự toán công trình, dẫn đến mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định không được truy thu, và buộc DN vào 1 trong 2 khả năng: trả lương thấp cho người lao động hoặc buộc phải co kéo kinh phí từ các hạng mục khác cho việc trả lương. Cả hai khả năng đều chứa đựng hậu quả xấu, vi phạm nguyên tắc pháp chế.

Không chỉ cục bộ, địa phương, ở một số bộ, ngành, có hiện tượng ban hành quyết định hành chính “bẻ ghi” quy định đã có hiệu lực. Có thể ví dụ như trường hợp Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1328/QĐ-BTC đính chính Thông tư 157/2011 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó mô tả hàng hóa “Bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của xe ôtô” nhằm tăng thuế của các loại xe này từ 5% lên 7% và yêu cầu truy thu thuế của DN.

Hay Bộ Công thương với 2 thông tư xác định thời hạn lưu giữ của hàng tạm nhập tái xuất không quá 15 ngày, gia hạn 25 ngày, trái Luật Hải quan (thời hạn là 12 tháng, gia hạn 6 tháng) và quy định “tạm dừng, thu hồi mã số tạm nhập, tái xuất hàng”- về bản chất là xử phạt, đình chỉ hoạt động của DN. 

Rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Thông tư số 13/2011/TT-BNN&PTNT quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải “sản xuất tại quốc gia đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm”, mặc dù trong Luật An toàn thực phẩm không có quy định điều kiện này…

Tại Hà Nội, quy định điều kiện kinh doanh taxi ở Hà Nội phải có trên 50 xe và phải xin logo “Taxi Hà Nội”, trong khi Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện về số lượng xe tối thiểu là 10-20 xe. 

Điều này là không phù hợp với điều kiện Việt Nam, gây sức ép về kinh phí cho các DN muốn kinh doanh, buộc các DN đang hoạt động phải đáp ứng, biểu hiện độc quyền, lợi ích cục bộ. Hay Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát gạo có công suất 10 tấn/giờ. Điều này là không hợp lý, hạn chế quyền kinh doanh, tạo tiêu cực (mượn giấy phép) tăng chi phí của DN...

Việc ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV là cần thiết trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới đang đặt các DN này đứng trước một sức ép về cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, cách hỗ trợ thật sự thiết thực cho các DN hiện nay đó là loại bỏ hàng loạt các nghị định về điều kiện kinh doanh đang tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các ông chủ lớn và các DNNVV, cũng như làm tăng thêm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. (Nghị định 109…)

Nên chăng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các DNNVV chỉ là kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các DN này, mà không chỉ đơn thuần là bảo hộ cho họ. Các dịch vụ/chương trình hỗ trợ cho các DNNVV là cần thiết, nhưng việc cung cấp các dịch vụ/chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho DN, vì điều này tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nguyên tắc thị trường và điều ước quốc tế như TPP, WTO.

“Trong quá trình soạn thảo văn bản, hãy lấy ý kiến của DN - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nội dung dự thảo, phát huy cơ chế đa ngành, huy động trí tuệ tập thể, chống đơn tuyến, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, thay vì áp đặt ý chí chủ quan như nhiều văn bản hiện nay”, TS Sơn góp ý.

Hà An
.
.
.