Doanh nghiệp “kêu trời” vì… ế điện

Thứ Tư, 23/06/2021, 11:27
Những năm gần đây, việc đầu tư vào các dự án điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) ở Tây Nguyên được xem như những miếng bánh vẽ mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Chính vì lẽ đó mà hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp bất chấp đua nhau đầu tư vào ĐNLMT khiến nguồn cung vượt cầu, dẫn đến nhiều dự án không thể bán điện cho Nhà nước nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…


Năm 2020, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông nở rộ tình trạng đua nhau làm ĐNLMT, có thời điểm trên địa bàn huyện này có hàng chục dự án xin cấp phép đầu tư, nhỏ thì vài chục tỷ đồng, lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án ĐNLMT sau khi hoàn thành đã liên tục bị cắt giảm công suất bán điện. Điều này không chỉ gây ra tình trạng lãng phí nguồn điện mà còn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì tất cả nguồn vốn đều vay từ ngân hàng.

Ông Nguyễn Tăng Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Đạt cho biết, giữa năm 2020, ông bỏ ra hơn 19 tỷ đồng để đầu tư vào dự án ĐNLMT ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. Công trình được đóng điện vào tháng 11-2020. Tuy nhiên, từ tháng 1-2021 đến nay, công ty liên tục đối diện với nhiều khó khăn do thường xuyên bị cắt giảm công suất bán điện. Thậm chí, có những ngày công ty không bán được KW điện nào.

Nhiều dự án điện ở Tây Nguyên gặp khó vì không bán được điện.

“Đây là thời điểm ở Tây Nguyên có lượng nắng cao, hoạt động sản xuất điện mặt trời lý tưởng, hiệu quả nhất trong năm nhưng việc bán điện lại phập phù, gây muôn vàn khó khăn cho việc vận hành công trình. Không chỉ vậy, chính việc không bán được điện đã gây thiệt hại về kinh tế cho công ty không hề nhỏ, bởi tiền vay từ ngân hàng. Trung bình mỗi tháng, công ty thiệt hại khoảng từ 55 đến 60 triệu đồng”, ông Hưng nói.

Cùng lâm vào tình cảnh tương tự, ông Lê Ngọc Anh (trú tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) như đang ngồi trên đống lửa vì 2 dự án ĐNLMT của ông được đầu tư số vốn gần 100 tỷ đồng liên tục bị cắt giảm công suất bán điện thời gian gần đây.

“Giai đoạn bị cắt tải nhiều nhất là từ ngày 6 đến 18/5 vừa qua. Có những ngày, dự án của công ty bị cắt 50% công suất bán điện 24/24 giờ. Việc cắt tải như vậy đã làm công ty thiệt hại lớn về doanh thu, rất lãng phí nguồn điện. Ngoài việc không bán được điện, đường dây cung cấp lưới điện cho công ty cũng thường xuyên bị cắt điện. Do đó, hoạt động làm mát trang trại sản xuất nấm dưới mái công trình ĐNLMT không hoạt động được. Vừa qua, dự án trồng nấm của gia đình tôi đã bị hư hỏng với số lượng lớn, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng”, ông Anh cho biết.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty Điện lực (PC) Đắk Nông cho biết, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng các dự án ĐNLMT bị cắt giảm công suất bán điện. “Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên vào giờ cao điểm nhu cầu tiêu thụ điện cả nước giảm đột biến, dẫn đến thừa điện. Việc cắt tải điện đã được ngành điện phân bổ đều trong cả nước. Bộ Công Thương đã có văn bản thông báo cụ thể số liệu giảm cung cấp điện năng. Khi hết dịch bệnh, sản xuất phục hồi trở lại thì sẽ không còn tình trạng thừa điện”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, sau khi có các cơ chế về giá ưu đãi đối dự án điện mặt trời, điện gió, các dự án điện năng lượng tái tạo đã phát triển quá nhanh, quá nóng. “Để đầu tư một dự án ĐNLMT với công suất khoảng 50 đến 100MW chỉ mất khoảng 6 đến 8 tháng, nhưng việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV thì phải mất ít nhất 3 năm, đường dây 220kV thì mất 2 năm. Do đó, việc phát triển lưới điện truyền tải không thể theo kịp với tiến độ đầu tư của các dự án điện năng lượng tái tạo, dẫn đến nguồn cung sẽ dư thừa là điều tất yếu”, ông Hùng phân tích.

Một thực trạng hiện nay là việc thừa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã rõ. Thế nhưng, thực tế dường như điều này lại trở nên nghịch lý. Sau khi nhà quản lý có các cơ chế, khuyến khích để phát triển điện năng lượng tái tạo thì đến thời điểm này, EVN lại tìm cách giảm công suất các nguồn năng lượng tái tạo này. Trong khi đó, ngành điện đang “kêu trời” vì nguy cơ nguồn điện thiếu, phải nhập khẩu than để sản xuất… thì việc dư thừa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đến mức phải cắt giảm liên tục, gây hoang mang cho các chủ đầu tư là vấn đề cần xem xét.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, đến nay, toàn khu vực có hơn 17.000 khách hàng bán điện với tổng công suất 925 MWp. Riêng tỉnh Đắk Lắk có 5.500 công trình ĐNLMT với tổng công suất hơn 580 MWp. Còn tại tỉnh Đắk Nông có 651 công trình ĐNLMT với công suất lên đến 106.593 kWp đã được đấu nối. Chính sự phát triển ồ ạt của ĐNLMT mà thời gian qua, PC Đắk Nông và Đắk Lắk đã buộc phải sa thải (không cho điện lên lưới) hàng chục công trình ĐNLMT chỉ vì đường dây vận tải không kịp đáp ứng nhu cầu.

Văn Thành
.
.
.