Doanh nghiệp đề xuất các giải pháp hỗ trợ để vượt qua đại dịch

Thứ Năm, 10/06/2021, 18:48
Sáng 10/6, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và Doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đã có 13 ý kiến đóng góp của đại biểu đại diện cho DN gửi tới lãnh đạo thành phố đề xuất các giải pháp gỡ rối cho DN do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


3 nhóm giải pháp trọng tâm 

Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP trong 5 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, ghi nhận TP có nhiều dấu ấn về sự phục hồi kinh tế so với cùng kỳ, tuy nhiên, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, DN tại TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt phải kể đến sự sụt giảm của lực lượng lao động tham gia sản xuất; người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc. Vì vậy, đã có 2.458 DN đăng ký giải thể; và 9.849 DN tạm ngưng hoạt động.

Trước tình hình này, TP đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, thời gian tới, TP cần có các giải pháp hỗ trợ DN thực hiện “mục tiêu kép” vừa ổn định SX, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm.

Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong sáng 10/6

Trước hết, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. 

Thứ 2triển khai chính sách hỗ trợ của TP về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt, đối với các DN, tổ chức, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở KH&ĐT đề xuất hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động /hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho NLĐ.

Thứ bakiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN. Cụ thể, điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi DN tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa 100% đối với các chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước khi DN tham gia. 

Vaccine - “chìa khóa” của sự phục hồi các DN

Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều đề cập rất nhiều tới vấn đề vaccine ngừa COVID-19. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân đưa ra 3 dự báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh gồm thấp, trung bình và cao. Tuy nhiên ông khẳng định, tất cả kịch bản sẽ thất bại nếu Việt Nam không nhập được vaccine và tiêm cho công nhân, người lao động. “Vaccine là một trong những chìa khóa của sự phục hồi của các DN”, ông Ngân nhấn mạnh.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Khi một doanh nghiệp có công nhân là F1 thì sẽ mất tất. Có thể được ví như một “cái chết” bất ngờ đối với DN. Nên khi chưa có tiêm vaccine thì quy chế sản xuất của chúng ta sẽ thực hiện ra sao? Rất khó để có biện pháp phù hợp”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng phát biểu, toàn bộ lực lượng lao động Hàng không đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch. “Trong khi đó, có 11.000 người lao động cần tiêm mà cho 300 liều thì chúng tôi biết tiêm cho ai?”. Ông Kỳ nói.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định: “Việc tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định để chúng ta thoát khỏi đại dịch”. 

Theo đó, Thành phố vừa qua đã thành lập tổ công tác về tiêm vaccine, mục tiêu là sớm tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân. Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt này do Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức làm tổ trưởng. Hiện tổ công tác đã đàm phán với một số đơn vị và nhà cung ứng vaccine. Nhưng mục tiêu cụ thể ở đây là tiêm vaccine cho toàn dân, nguồn cung vắc xin cần có lộ trình, cần xác định các đối tượng được ưu tiên.

Đại diện ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, nguồn cung ứng vaccine ngành y tế giải quyết theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng chính phủ. Những đối tượng ưu tiên được chích ngừa vaccine. Tuy nhiên, dù đã được tiêm vaccine thì từng người dân vẫn phải thực hiện 5k mới đảm bảo căn cơ trong công tác phòng chống dịch.

Huyền Nga
.
.
.