Doanh nghiệp còn yếu trong phòng vệ thương mại

Thứ Năm, 28/07/2016, 09:26
Tính đến nay, Việt Nam chỉ mới điều tra 6 vụ chống bán phá giá và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam có đến 96 vụ bị điều tra phòng vệ thương mại. Thực tế trên cho thấy, năng lực phòng vệ của DN Việt Nam vẫn còn rất yếu so với các đối thủ nước ngoài...

Phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) là công cụ khẩn cấp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu và những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Tính đến nay, Việt Nam chỉ mới điều tra 6 vụ chống bán phá giá và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam có đến 96 vụ bị điều tra phòng vệ thương mại. Thực tế trên cho thấy, năng lực phòng vệ của DN Việt Nam vẫn còn rất yếu so với các đối thủ nước ngoài...

Áp dụng phòng vệ thương mại, ngành sản xuất dầu thực vật trong nước đã được bảo vệ thành công trước tình trạng nhập khẩu của dầu thực vật ngoại.

Vụ  điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009 đối với mặt hàng kính nổi nhưng kết quả cuối cùng không thành công như mong đợi. Đến năm 2012, Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu thứ hai đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra Việt Nam thực hiện đầy đủ tất cả các bước và mang lại kết quả rất khả quan, ngành sản xuất dầu thực vật tinh luyện trong nước đã được bảo vệ thành công trước tình trạng nhập khẩu của dầu thực vật ngoại. Sau vụ việc này, cơ quan điều tra Việt Nam tiếp tục điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Trong suốt 12 tháng thực hiện đầy đủ các bước thủ tục, đến  tháng 9-2014, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận cuối cùng về hành vi bán phá giá và áp thuế chống bán phá giá đối với các DN sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Tiếp đến, tháng 9-2015, Việt Nam điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu. Tháng 12-2015, điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu. Mới đây nhất, tháng 3-2016, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bà Phạm Hương Giang – Phó Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài – Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: “Sau hơn 10 năm ban hành pháp luật Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại, đến nay Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ (trong đó áp thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng) và 2 vụ việc chống bán phá giá (trong đó áp thuế 1 mặt hàng) và đang trong giai đoạn điều tra sơ bộ đối với 1 mặt hàng”.

Thực tế trên cho thấy, số lượng vụ việc được điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn còn quá ít trong khi nhu cầu cần bảo vệ ngành sản xuất trong nước quá cao trước những tác động tiêu cực của hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể một số mặt hàng đứng trước nguy cơ như: trứng gia cầm, giấy in, dầu đậu nành, ống gang đúc, bột nhựa, tôn, đùi gà, tỏi…

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra đối với 1.000 DN về mức độ hiểu biết của DN về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài cho thấy, có 15,9% DN không hiểu; 63,21% DN có nghe nói nhưng không hiểu biết gì sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ; chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ về phòng vệ thương mại.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho rằng, nguyên nhân khiến các DN Việt Nam ngại sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là do đa số DN Việt Nam còn thiếu thông tin, thiếu khả năng tập hợp bằng chứng nên không thể kiện về phòng vệ thương mại. Cũng theo khảo sát của VCCI, chỉ có 3% DN nói có thể có thông tin cần thiết để đi kiện, 62% DN có thông tin nhưng không đầy đủ và 35% DN không thể tiếp cận thông tin.

Khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi thì hàng rào thuế quan cũng dần bị loại bỏ. Thị trường nội địa cũng sẽ tràn ngập hàng nhập khẩu với giá bán thấp hơn trước đây vì thuế nhập khẩu về 0%, cạnh tranh với hàng hóa trong nước. Vì vậy để tồn tại, các DN Việt Nam phải chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước, giảm áp lực nhập khẩu ồ ạt hàng hóa từ nước ngoài vào thị trường nội địa.

Để công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng hiệu quả, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, DN cần chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh của các DN nước ngoài. Các cơ quan quản lý hiệp hội phải tư vấn, định hướng cho DN. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định chi tiết hơn về phòng vệ thương mại ở Việt Nam.

Thúy Hà
.
.
.