Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt Hiệp định CPTPP

Thứ Ba, 06/03/2018, 08:37
Dự kiến ngày 8-3 tới tại Santiago (Chile), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức được ký kết. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, dự kiến sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho kinh tế Việt Nam.

Theo Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương), ngay sau khi CPTPP được ký kết vào 8-3 tới đây, Việt Nam trông đợi ở Hiệp định này nhiều khía cạnh. Bởi đây là lợi ích mang tính lâu dài. Ngoài ra, Hiệp định CPTTP có tính mở. Khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Là nước tham gia từ đầu, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Cụ thể, về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nền kinh tế trong khu vực. Tập hợp này có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa.

Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. "Quan trọng là việc giúp chúng ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài", ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, về tổng thể Hiệp định CPTPP có lợi cho Việt Nam. Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam dự kiến đạt được lợi ích từ xuất khẩu (XK) với tổng mức tăng thêm về kim ngạch XK khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tổng kim ngạch NK cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6% (tương đương 4,93 tỷ USD).

Do tốc độ tăng XK cao hơn NK, nguy cơ thâm hụt thương mại có thể được kiềm chế theo thời gian. Việc tăng XK chủ yếu là sang các nước trong CPTPP. Điều này cho thấy, việc tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường XK. Đối với NK, mức độ tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn. Việc tăng thêm NK sẽ chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP. Theo kết quả này, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn NK từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP.

Từ góc độ DN, ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho rằng, với Hiệp định CPTPP, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang nhiều thị trường sẽ thuận lợi hơn. Tại các thị trường lớn Nhật Bản, Australia, Canada… khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, việc XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường trên cũng sẽ thuận lợi hơn so với thời điểm hiện tại.

Bởi vậy, các DN không nên hờ hững với Hiệp định CPTPP mà cần nỗ lực, sẵn sàng để tận dụng tốt nhất cơ hội. Nếu không quan tâm, không tham gia thì nghĩa là DN đã tự đặt mình bên ngoài “cuộc chơi”.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, với Hiệp định CPTPP, ngành dệt may có cơ hội ở hai thị trường là Australia và Canada.

Để có thể tận dụng nhanh chóng, hiệu quả cơ hội từ Hiệp định CPTPP đem lại, ngoài sự chủ động liên hệ của DN, DN dệt may đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các nước này hết sức quan tâm, giúp đỡ. DN dệt may hy vọng có thể nắm bắt nhanh chóng các thông tin liên quan tới Hiệp định CPTPP để tập trung lợi thế vào vụ sản xuất hàng Thu Đông năm 2018 và hàng Xuân Hè năm 2019, tận dụng nhanh nhất, có hiệu quả nhất Hiệp định CPTPP này ngay từ ngày đầu.

Cơ hội và thách thức luôn song hành khi Hiệp định được ký kết và có hiệu lực chính thức từ năm 2019, vì vậy để tận dụng được các lợi ích trên, Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng XK trong thời gian tới.

Các DN cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn tất quy trình pháp lý trong nước để chuẩn bị cho lễ ký kết Hiệp định. Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương.

Lưu Hiệp
.
.
.