Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Phải công bằng với người lao động
- Đề xuất chi trả chế độ bảo hiểm xã hội với lao động đi cách ly y tế
- Bảo hiểm xã hội và nỗi lo khi về già
- Nhiều hệ lụy từ việc gia tăng nhận bảo hiểm xã hội một lần
Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định mức hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội. Những năm đóng trước 2014 được hưởng 1,5 tháng lương bình quân, những năm từ 2014 trở đi thì được hưởng 2 tháng lương bình quân.
Thế nhưng trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH và đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương bình quân. Đề xuất này đang gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ đa số phía người lao động.
Người lao động thiệt thòi
Liên quan đến đề xuất này, chị Nguyễn Thị Thu Hương (18 năm làm việc tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho hay, công việc ổn định nên chưa bao giờ chị nghĩ đến việc sẽ rút BHXH một lần, tuy vậy nếu đề xuất này được đưa vào Luật BHXH sửa đổi thì quá thiệt thòi cho người lao động.
“Hằng tháng người lao động đóng BHXH 8%, doanh nghiệp đóng cho 18%. Tính ra số tiền đóng BHXH cho người lao động một năm là hơn 3 tháng lương. Nếu rút BHXH một lần chỉ được hưởng có 1 tháng lương thì quá thiệt. Không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện về sức khỏe để chờ và được hưởng lương hưu. Có những người thời gian đóng còn lại quá dài, mà công việc phải thay đổi nên họ không thể tiếp tục theo. Do đó, chính sách cần có giải pháp để khuyến khích họ theo tiếp chứ không phải giảm quyền lợi của người ta một cách cơ học thế này được”, chị Hương cho hay.
Đề xuất giảm 50% mức hưởng khi rút BHXH một lần là không công bằng với người lao động. |
Anh Nguyễn Minh Phong, cán bộ nhân sự của một công ty dệt may thì cho rằng, đây không phải là phương án để hạn chế người lao động ra khỏi hệ thống BHXH. Anh Phong lý giải, với công nhân may, đa số đều là những người có điều kiện còn nhiều khó khăn. Khi họ không còn điều kiện để gắn bó với nghề nữa, sau 1 năm nghỉ việc mà không tìm được việc làm, có giảm bao nhiêu thì họ cũng phải rút vì họ đang rất cần tiền để trang trải cuộc sống.
“Tôi sợ rằng khi đa số công nhân mà đọc được đề xuất này, chỉ được hưởng có 1 tháng lương bình quân/năm khi rút BHXH một lần thì sẽ có không ít công nhân sẽ đề nghị không tham gia BHXH nữa bởi không ai biết mình có theo được BHXH đến 35 năm không. Mà tham gia thì khi cần rút ra lại quá thiệt thòi. Lúc này lại thành tác dụng ngược. Xây dựng luật không nên ép buộc mà phải tìm cách để người lao động gắn bó với hệ thống BHXH”, anh Phong chia sẻ.
Trong khi đó, chị Bùi Thị Thuận, công nhân KCN Bắc Thăng Long thì cho rằng, những trường hợp rút BHXH một lần phần lớn là lao động nghèo khó, không còn đường xoay xở nên mới xin rút tiền nộp BHXH để hưởng 1 lần. Đó là tiền lương của người lao động trích lại, nay họ gặp khó khăn thì cần phải trả lại, không thể giảm đi được.
"Khi đề xuất một quy định nào đó thì phải cân bằng giữa lợi ích và nghĩa vụ, còn nếu chỉ nghĩ đến việc giảm quyền lợi của của người lao động thì không phải là cách xây dựng luật. Khuyến khích người lao động giữ BHXH thôi, để về già có lương hưu chứ không nên hạ mức hưởng một lần xuống 50% rất thiệt cho người lao động. Họ chỉ bất khả kháng mới rút một lần thôi, nếu vậy họ đã khổ còn khổ hơn nữa. Mong BHXH nghiên cứu kỹ mức đề xuất này”, chị Thuận nói.
“Không thể nhăm nhăm giảm chế độ”
Theo các chuyên gia lao động, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần của Bộ LĐ-TB&XH không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH một lần của người lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống.
Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, thực trạng người lao động rút BHXH một lần hiện đang tăng rất cao cho nên các giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, góc độ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ. Tuy nhiên, giải pháp giảm quyền lợi của người lao động “sốc” thế này thì không ổn.
“Đây mới chỉ là đề xuất nhưng nếu giảm thế này thì gây sốc cho người lao động bởi nó ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi của người lao động. Cần có nhiều giải pháp, nếu có tính đến phương án giảm thì cũng cần tính toán có lộ trình hoặc giảm ở mức độ nào đó hài hòa. Làm chính sách mà tạo ra những cú sốc thế này thì không được. Một trong những nguyên tắc của làm chính sách là không được tạo ra những cú sốc trong thực hiện chính sách. Muốn triệt tiêu tình trạng người lao động rút BHXH một lần thì phải áp dụng nhiều giải pháp chứ không chỉ nhăm nhăm giảm chế độ”, ông Quảng nói.
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề này PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn bày tỏ quan điểm rất gay gắt. Ông Thọ cho rằng, người lao động phản ứng với đề xuất này không phải là quá đáng.
“Đây không phải là giải pháp cho việc giảm thiểu tình trạng người lao động rút BHXH một lần. Dùng biện pháp cứng nhắc giảm 50% quyền lợi của người lao động không khác nào đánh lừa người lao động. Đối với người lao động, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì một đồng với người ta cũng là quý. Khi đã hứa với người ta trước đây là được hưởng ở mức này khi tham gia, giờ họ tham gia rồi do khó khăn muốn rút mà giờ lại cắt đi thì những gì người ta suy nghĩ, tính toán sẽ đổ sụp. Ví dụ như họ đã tính toán khoản nợ này khi rút BHXH một lần về sẽ trang trải được thì giờ không thực hiện được. Họ sẽ phải phản ứng dữ dội”, ông Thọ lý giải.
PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng, số tiền người lao động đóng vào quỹ BHXH là tiền trích ra từ lương hằng tháng của người lao động. Quỹ BHXH chỉ là cơ quan quản lý, giữ hộ tiền cho người lao động. Thế nhưng quỹ BHXH lại chỉ trả lại cho họ có 50% là vô lý.
“Đây là tiền người lao động gửi để BHXH giữ hộ để sau này về già người ta có khoản tiền để đảm bảo cuộc sống chứ không phải là của BHXH cho người ta. Khuyến khích người ta không ra khỏi hệ thống BHXH để đảm bảo an sinh xã hội thì phải có các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút người ta tham gia nhiều hơn nữa. Chứ còn cứ cơ học cắt giảm quyền lợi của người ta thì làm sao gọi là khuyến khích được. Với những giải pháp như thế này thì ngày mai, ngày kia có tuyên truyền thế nào cũng khó thu hút người lao động tham gia. Bởi người ta không nghe nữa, vì tham gia mà quyền lợi bị cắt giảm thì tham gia làm gì”, PGS.TS Vũ Quang Thọ gay gắt nói.