Để phát triển 500.000 doanh nghiệp mới: Khẩn trương “gỡ” nhiều vấn đề
Vừa qua, Ban kinh tế Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, với mục đích đưa ra các giải pháp khả thi, kiến nghị những chính sách mới nhằm hỗ trợ thiết thực giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho DN thành lập mới...
“Để có 500.000 DN hoạt động thì cần phải có trên 800.000 DN được thành lập với điều kiện tăng dần tỷ lệ DN hoạt động trên tổng số DN được thành lập”, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh nhận định.
Trong khi đó, theo đánh giá của bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh, qua gần 17 năm, số lượng từ 11.339 DN (năm 2000) tăng lên thành 309.138 DN (tháng 5-2017). Đa số DN của thành phố thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ thành lập chiếm trên 90% tổng số DN đăng ký hàng năm.
Những sản phẩm bán ra thị trường của DN mới khởi nghiệp. |
Để phát triển DN mới cả về số lượng lẫn chất lượng, TS Huỳnh Thanh Điền, Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho rằng có 3 nguồn: DN khởi nghiệp; nâng tầm hộ kinh doanh lên DN; và chủ các DN hiện tại phát triển thêm DN mới.
Trong 3 nguồn chính thành lập DN thì DN khởi nghiệp khả năng thành công tỷ lệ rất thấp bởi người khởi nghiệp lần đầu chưa hình dung hết những hoạt động kinh doanh. Còn đối với hộ kinh doanh cũng ngại nâng tầm lên DN bởi vì thiếu ý tưởng lớn hơn.
Khi không có ý định phát triển lớn hơn mà phải chuyển đổi thì sẽ bất lợi hơn bởi các nghĩa vụ pháp lý có phần nhiều hơn như: các giấy phép về môi trường; thủ tục kê khai, quyết toán thuế, thuê mướn thêm kế toán... làm tăng thêm chi phí gián tiếp. Một số bộ phận khác thì e ngại các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Cũng có một số trường hợp muốn làm ăn lớn hơn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình DN như tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro... nên chưa đủ tự tin để phát triển lên DN. Chỉ có các DN đã được thành lập từ những người đang là chủ DN, hoặc DN là công ty con của công ty mẹ thì khả năng thành công cao hơn.
“Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh có 18.030 DN được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 227.514 tỷ đồng (tăng 10,5% về số lượng DN và tăng 57,5% về số vốn đăng ký). Tuy nhiên, số DN phá sản cũng gần với con số đó. Điều này cho thấy chất lượng mới thành lập còn nhiều hạn chế”, ông Điền cho biết.
Nhận xét về môi trường đầu tư kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng tệ làm khó DN, tham nhũng, hối lộ, bôi trơn chi phí không chính thức gia tăng trở thành gánh nặng của DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Hay việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN “sân nhà” với các DN khác cũng đang xảy ra thể hiện ở nhiều lĩnh vực như: tiếp cận đất đai, tiếp cận các đơn hàng của Nhà nước, tiếp cận cấp phép và các thủ tục hành chính...
Để khuyến khích thành lập DN mới trong thời gian tới, bà Trần Thị Bình Minh cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể để hỗ trợ và phát triển DN. Cụ thể như: đơn giản các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí thủ tục nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và DN trên 95%. Cắt giảm 50% thủ tục hải quan so với quy định. Triển khai 100% thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm đối với DN... Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm hiểu khó khăn của DN, hàng năm TP nên tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và DN trên địa bàn để giải quyết khó khăn cho DN trong từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể.
Theo ý kiến của TS Huỳnh Thanh Điền, để phát triển DN cần tập trung vào các hai nhóm chính sách: Khuyến khích thành lập mới DN và nuôi dưỡng DN. Theo đó xoay quanh việc hỗ trợ giúp DN trong việc đào tạo nhân lực, thị trường, công nghệ, xúc tiến thương mại, lãi suất đầu tư. Song song đó, thành phố cần chuẩn bị hạ tầng để kịp thời đón đầu một làn sóng DN thành lập mới như: phát triển hệ thống mạng lưới phân phối, hệ thống kho bãi, ngành logistic, công nghiệp hỗ trợ...
Theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, mục tiêu đến năm 2020, phải xây dựng được ít nhất 500.000 DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân tiếp tục duy trì đóng góp khoảng 60 - 62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hàng năm, có khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 25-5-2017, trên địa bàn thành phố có 309.138 DN với tổng vốn điều lệ là 3.546.077 tỷ đồng; trong đó, DN siêu nhỏ chiếm đến 89,25%; DN nhỏ chiếm 4,36%; DN vừa 5,03% và DN lớn chỉ có 1,37%. |