Đầu tư hàng không: Chiến lược “vàng hóa” tài sản của FLC

Thứ Ba, 03/04/2018, 17:00
Gần đây, khi Tập đoàn FLC tổ chức hàng loạt chương trình xúc tiến chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra đời hãng hàng không mới, thị trường cho rằng, FLC muốn hướng đến một ngành dịch vụ đang có tốc độ phát triển chóng mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, tham vọng của FLC không chỉ đơn thuần là dịch vụ, đó còn là chiến lược “vàng hóa” những tài sản Tập đoàn đang sở hữu.

Ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO

Ngày 26- 3, Tập đoàn FLC đã ký Biên bản ghi nhớ với Airbus đặt mua 24 máy bay A321NEO cho hoạt động của Hãng hàng không Bamboo Airways mà FLC đang trong giai đoạn thành lập. Thỏa thuận được ký kết tại Paris nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp.

Theo kế hoạch mà FLC đã đặt ra cho mảng kinh doanh này, năm 2019, Bamboo Airways dự kiến sẽ đi vào hoạt động với các máy bay được thuê lại từ bên cho thuê thứ ba trước khi nhận các máy bay đặt mua. Hãng hàng không này sẽ tập trung kết nối thị trường quốc tế với các điểm du lịch tại Việt Nam, bên cạnh các đường bay trong nước.

Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang, Hải Phòng - Quy Nhơn... Chiến lược này nhằm làm giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

"Bamboo Airways tin tưởng A321-NEO là sự lựa chọn tối ưu cho hoạt động của Hãng bởi sự thoải mái, hiệu quả và sức chứa phù hợp phục vụ các đường bay du lịch ở Việt Nam", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz ký Biên bản ghi nhớ ngày 26-3 tại Pháp, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.

“Quyết định của Tập đoàn FLC một lần nữa cho thấy vị thế của dòng A321 trong phân khúc thị trường bay tầm trung nhờ hiệu năng được tối ưu hóa và khả năng tiết kiệm nhiên liệu lý tưởng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á và chúng tôi vinh dự được đóng góp một phần trong công cuộc phát triển hệ thống vận tải đường không tại quốc gia này”, ông Eric Schulz, Giám đốc Thương mại của Airbus nói.

Cũng theo Airbus, Tập đoàn FLC đã hoàn thiện việc đặt cọc và thanh toán bước đầu đối với hợp đồng mua 24 máy bay A321NEO, đặt tiền đề cho việc bàn giao và tiếp nhận máy bay phục vụ hoạt động của Bamboo Airways cho đến năm 2025.

Chiến lược “vàng hóa” tài sản của FLC

Bamboo Airways dù là câu chuyện mới, nhưng không phải là câu chuyện đầu tiên của Tập đoàn FLC về đề tài máy bay. Ít người biết rằng, từ năm 2012, ông Trịnh Văn Quyết đã đặt cọc tiền mua máy bay trực thăng và các tòa nhà FLC phát triển sau đó có tính đến phương án đặt sân đỗ trực thăng trên nóc.

Theo tính toán của ông Quyết, trực thăng sẽ giúp giải quyết các tình huống khẩn cấp và các tuyến di chuyển ngắn chưa có đường bay. Đặc biệt, dịch vụ trực thăng sẽ là điểm nhấn để nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích, giải trí cao cấp mà khách hàng có nhu cầu nói chung, du khách khi đến với các quần thể nghỉ dưỡng và sử dụng dịch vụ của FLC nói riêng.

Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh này quá mới mẻ, nhất là trong bối cảnh những quy định cấp phép các chuyến bay trực thăng không thuận lợi cho nhu cầu xử lý tình huống khẩn cấp. Và lần này, FLC lại tham vọng một lần nữa đặt mục tiêu chinh phục lĩnh vực hàng không.

Câu chuyện đầu tiên mà mọi người có thể nhìn thấy trong chiến lược này, đó là phục vụ nhu cầu ngày một tăng của người dân khi di chuyển bằng phương tiện hàng không.

Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm trước đó. Đến năm 2017, số lượt du khách đã lên tới con số 13 triệu, tăng 30%. Khách du lịch nội địa cũng đã lên tới 74 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2016. Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt trên 500.000 tỷ đồng (khoảng 23 tỷ USD), đóng góp khoảng 7,5% GDP năm 2017.

Những con số tăng trưởng trên cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của lĩnh vực đầu tư hạ tầng du lịch của Việt Nam, sự chú ý ngày một lớn của du khách quốc tế cũng như thay đổi thói quen du lịch của người dân và so sánh với khu vực, trong đó Thái Lan có tới hơn 11% đóng góp GDP từ lĩnh vực du lịch, thì tăng trưởng du lịch kỳ vọng của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.

Ông Eric Schulz và ông Trịnh Văn Quyết bên mô hình máy bay A321NEO.

Và chiến lược đầu tư vào hàng không được FLC kỳ vọng sẽ là một mũi tên trúng 2 đích lớn: Đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách và tăng cường khả năng kéo du khách trong nước cũng như quốc tến đến với các dự án nghỉ dưỡng mà Tập đoàn đã triển khai. Thanh Hóa và Bình Định, hai địa phương FLC đã có các quần thể nghỉ dưỡng biển lớn, đều trong tình trạng quá tải chuyến bay vào dịp nghỉ lễ, cuối tuần, số chuyến đến các địa phương tăng mạnh kể từ khi dự án của Tập đoàn đi vào hoạt động… cho thấy, nếu FLC tự khai thác trọn gói, có thể cơ hội thu lời "kép" sẽ còn lớn hơn nữa. Khi đó, các dự án của FLC sẽ được nâng giá trị lớn hơn nhiều so với hiện nay. Đó sẽ là lợi ích lớn mà Tập đoàn nhận được từ chiến lược “vàng hóa” các tài sản đang có.

Bamboo Airways vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục cấp phép. Con đường để FLC thực hiện khát vọng của mình vẫn còn khá xa. Nhưng nếu làm tốt, FLC hoàn toàn có thể sẽ nhận được lợi ích lớn hơn những gì mà ngành vận tải hàng không mang lại.

A321NEO là phiên bản mới thuộc dòng A321 - loại máy bay lớn nhất trong "gia đình" máy bay A320 của Airbus, có khả năng chở đến 240 hành khách. A321NEO sử dụng động cơ và công nghệ tối tân, hứa hẹn giảm tới 20% lượng nhiên liệu tiêu thụ tính đến năm 2020. Đây cũng là mẫu máy bay "một lối đi" có tầm bay xa nhất trên thị trường hiện nay, đạt 4.000 dặm (tương đương 6.437 km) không nghỉ.
Ngọc Mai
.
.
.