Đau đầu với hàng ngàn container phế liệu tồn đọng ở cảng

Thứ Hai, 03/09/2018, 08:07
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến hết ngày 16-8, tại cảng Cát Lái đang còn đến 3.893 container phế liệu, trong đó 504 container nằm bãi từ 30-90 ngày, còn lại là những container đã bị chủ hàng bỏ “nằm vạ” tại bãi quá 90 ngày. 


Bài 1: Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp nhập phế liệu

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt dẫn đến tồn đọng cả chục ngàn container phế liệu tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh và một số cảng lớn khác trên cả nước, ngày 28-8, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án; Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đại diện một số doanh nghiệp (DN) về hành vi làm giả giấy tờ vận chuyển hàng cấm qua biên giới.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Hiện tại Bộ Tài nguyên - Môi trường, cơ quan Hải quan và phía DN chủ cảng vẫn chưa thể đưa ra biện pháp nào hữu hiệu. 

Để giữ diện tích kho bãi phục vụ sản xuất kinh doanh trước khối lượng phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái tăng rất nhanh trong những tháng đầu năm nay, cảng Cát Lái đã phải tự áp dụng quy định nhằm giảm nhiệt lượng hàng này về cảng.

Cụ thể, từ ngày 1-6, đơn vị chủ quản cảng là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã quyết định ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhập khẩu về Tân cảng Cát Lái và Tân cảng Hiệp Phước. Các cảng này chỉ cho phép dỡ hàng từ tàu xuống kho bãi sau khi chủ hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu, còn hiệu lực với lô hàng kèm theo văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể.

Cùng lúc, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng đã quyết định ngưng tiếp nhận toàn bộ các lô hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại hai cảng trên từ ngày 1-6 đến ngày 30-9. Dù đã tự phải áp dụng biện pháp ngăn chặn phế liệu nhập về cảng Cát Lái từ hơn 2 tháng trước, song thời điểm này lượng phế liệu tồn tại cảng Cát Lái vẫn còn rất lớn.

Cận cảnh một số container phế liệu nhập về đang tồn đọng tại cảng Cát Lái. 

Ông Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, cảng Cát Lái còn tồn khoảng 4.500 container phế liệu giấy và nhựa, chiếm gần 20% sức chứa của cảng, đã và đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động bốc xếp hàng hóa của cảng. Với số lượng container phế liệu tồn đọng khủng như vậy, cảng Cát Lái phải đưa ra khuyến cáo, nếu không xử lý kịp, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng dồn ứ hàng hóa nghiêm trọng sau dịp nghỉ lễ 2-9.

Để xử lý đối với lượng phế liệu đang nằm tại cảng Cát Lái, thời gian gần đây đơn vị chủ quản của cảng đã khẩn trương phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện xác minh, thông báo tìm chủ hàng với hơn 3.000 container phế liệu nhựa cũng như tiến hành phân loại hàng hóa.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến hết ngày 16-8, tại cảng Cát Lái đang còn đến 3.893 container phế liệu, trong đó 504 container nằm bãi từ 30-90 ngày, còn lại là những container đã bị chủ hàng bỏ “nằm vạ” tại bãi quá 90 ngày.

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, quá trình làm thủ tục thông quan các lô hàng phế liệu do DN nhập về trong 3 tháng gần đây, đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm pháp luật. Trong đó phải kể đến 16 DN với hơn 55 tờ khai hải quan nhập khẩu phế liệu đã quá hạn làm thủ tục hải quan; 2 DN nhập khẩu phế liệu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu theo quy định, tuy vậy việc xử lý đối với DN vi phạm không hề đơn giản. Nhất là khi DN có thể dễ dàng chối bỏ quyền sở hữu với những lô phế liệu khủng nằm tại cảng Cát Lái.

Chẳng hạn, từ tháng 2 đến tháng 5-2018, Công ty TNHH MTV H.Q.C.H có địa chỉ ở tận huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hưng Yên đã đứng tên trên vận đơn nhập khẩu 437 container phế liệu nhựa về cảng Cát Lái. Nhưng khi cơ quan Hải quan gửi văn bản yêu cầu DN đến làm việc về số phế liệu này, DN đã lập tức có công văn gửi lại phía hải quan và hãng tàu từ chối nhận toàn bộ số container phế liệu nhựa trên với lý do đối tác xuất hàng đã gửi nhầm cho DN (?).

Căn cứ để DN đưa ra lời từ chối này chỉ đơn giản là công ty không ký hợp đồng mua phế liệu từ nhà xuất khẩu nên đương nhiên các container hàng này không thuộc quyền sở hữu của DN. DN này còn yêu cầu đại lý hãng tàu thông báo cho người gửi và cơ quan quản lý nắm rõ về việc từ chối nhận hàng.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ XNK V.N ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cũng đã dễ dàng đưa ra lời từ chối nhận 255 container phế liệu nhựa nhập khẩu đang nằm tại cảng Cát Lái. Cho dù trên các vận đơn gửi hàng đều thể hiện người nhận là công ty này, song DN nại lý do qua kiểm tra chi tiết chứng từ các lô hàng, DN nhận thấy các lô hàng này không thuộc sở hữu của mình. Công ty Môi trường Công Nghiệp M.P ở tỉnh Bắc Ninh cũng đã từ chối nhận 68 container phế liệu nhựa đã nằm tại cảng Cát Lái trong thời gian dài.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN sẵn sàng chối bỏ quyền sở hữu lượng hàng được phía hải quan chỉ rằng: DN nhập khẩu phế liệu về cảng nhưng không được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” nên đã từ chối nhận hàng.

Sau thời gian phát đi thông báo tìm chủ nhân hơn 3.000 container phế liệu tồn tại cảng, chỉ có 1-2 DN liên hệ lại và cho biết đang chờ xin giấy phép nhập khẩu. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã phải xác định hầu hết số phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái hiện nay thuộc diện hàng… “vô chủ” (?).

Điều khiến dư luận khó hiểu nữa là tại sao phải chờ đến khi đơn vị chủ quản cảng Cát Lái có động thái ngưng tiếp nhận phế liệu nhựa và giấy từ tàu xuống cảng nếu chủ hàng không xuất trình giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực, các cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc để tìm hướng xử lý đối với tình trạng nhập khẩu ồ ạt những loại phế liệu trên về để bỏ lại cảng.

Phía cơ quan Hải quan cho rằng, 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, phế liệu nhập về không đảm bảo về môi trường, không đủ điều kiện nhập khẩu theo giấy phép được cấp. Thứ hai, DN nhập khẩu ồ ạt nhưng chưa xin được giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thứ ba, DN làm giả giấy phép để nhập khẩu phế liệu, khi bị hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời không cho làm thủ tục. Trong đó, những DN bị phát hiện giả mạo gấy tờ sẽ được chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý, còn với những DN chỉ vi phạm hành chính, việc khắc phục hậu quả là không hề đơn giản.

Đức Thắng- Thúy Hà
.
.
.